Dân Việt

Sân khấu lúc này mơ có Lưu Quang Vũ

An ninh thủ đô 01/09/2013 09:25 GMT+7
“Nữ tướng” của sân khấu Việt Nam - NSND Phạm Thị Thành dành những lời trân quý khi nói về Lưu Quang Vũ và những vở kịch của ông.
Đôi mắt sáng sau cặp kính to, tóc ngắn đặc thù, người phụ nữ bé nhỏ ấy là nữ đạo diễn đầu tiên của sân khấu Việt Nam nhận giải thưởng Nhà nước. 30 năm sau khi đào tạo lứa diễn viên tài năng đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ (NHTT), NSND Phạm Thị Thành vẫn đang bền bỉ nghiệp làm thầy, ở tuổi 72.

“Nữ tướng” của sân khấu Việt Nam có tư duy nhạy bén, trẻ trung, cường độ lao động hơn thanh niên, trình độ xử lý kịch bản cao và dàn dựng bài bản. Bà là đạo diễn đầu tiên dựng lễ hội lớn và viết kịch bản cho nhiều lễ hội.

imgNhà thơ Vi Thùy Linh bên đạo diễn Phạm Thị Thành tại sự kiện “Đêm Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh” tối 25.8

Mấy tuần cuối tháng 8 đầu tháng 9, bà Thành “chạy sô” mệt đừ vì các báo, đài phỏng vấn một loạt vở của kịch tác giả Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) được tái dựng, nhân kỷ niệm 25 mất của ông. Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ do Hội NSSKVN tổ chức, từ 9 đến 16-9 tại Hà Nội dựng lại 13 vở của ông, đạo diễn Phạm Thị Thành không làm vở nào, nhưng mọi người vẫn nhớ đến bà, người đã đạo diễn 25 vở của Lưu Quang Vũ. Con số này là kỷ lục bất ngờ về sự hợp tác của một đạo diễn với một tác giả.

Chào NSND Phạm Thị Thành, tối 25.8, tại Cung Việt Xô Hà Nội, trước khi diễn lại Lời thề thứ 9 (Đạo diễn: NSND Xuân Huyền), nhà báo Lưu Minh Vũ đã kể lại ký ức khi 9 tuổi, xem tập vở Sống mãi tuổi 17 ở sàn tập trong khu nhà cấp 4 tại 11 Ngô Thì Nhậm. Không nhiều người biết, đây là vở đầu tiên của Lưu Quang Vũ và người được đặt hàng là bà?

- Vâng, đúng vậy. Tốt nghiệp Đạo diễn Sân khấu ở Moskva về năm 1977, tôi cùng đạo diễn Hà Nhân thành lập Nhà hát Tuổi Trẻ năm 1978. Thu 1979, Nhà hát chưa đầy 1 tuổi, chúng tôi muốn dựng vở mà nhân vật là thanh niên có ý chí, khát vọng. Tìm được hình tượng Anh hùng Lý Tự Trọng, tôi được giới thiệu vở Ông nhỏ của Đào Duy Kỳ, cán bộ cách mạng lớn tuổi. Ông nhỏ có tư liệu nhưng không có tính nghệ thuật, tính sân khấu, thiếu hấp dẫn với khán giả trẻ.

Tôi sắp xếp lại bố cục, đặt tên Sống mãi tuổi 17. May thay, họa sĩ Phùng Huy Bính giới thiệu cho tôi gặp Lưu Quang Vũ, biên tập Tạp chí Sân khấu. Tôi biết anh là nhà thơ có tài, kịch bản cho sân khấu chuyên nghiệp thì chưa bao giờ. Trao đổi với anh về ý đồ từng lớp, từng cảnh, anh đề nghị cần 20 ngày. Chưa đến hẹn, anh đã đọc cho tôi nghe. Tôi vui mừng vì ý đồ, phong cách vở thể hiện bằng ngôn ngữ văn học sâu, rộng, mạnh mẽ hơn ý tôi muốn. Anh đồng ý để tên tác giả liên danh: Lưu Quang Vũ - Đào Duy Kỳ - Phạm Thị Thành.

Và vở diễn thành công vang dội?

- Đúng là duyên số, lần đầu hợp tác thành công, cho chúng tôi hứng khởi làm tiếp nhiều vở. Tối 31-1-1980, Sống mãi tuổi 17 dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Nhà hát Lớn, thành công rực rỡ, nhận 5 Huy chương Vàng, trong đó có HCV cho vở, đạo diễn, diễn viên chính.

Sau đăng quang, bác Lưu Quang Thuận (bố anh Vũ, là tác giả của nhiều vở chèo) gặp tôi, cảm ơn: “Thành là gạch nối cho hai thế hệ cha con tôi”. Phát triển gen của cha, năng khiếu thiên phú, tài năng xuất chúng, Lưu Quang Vũ viết nhanh, khỏe, thời sự mà sâu sắc. Góp ý hợp lý là anh sửa ngay, sửa nhanh và hay hơn. Có khi anh viết cùng lúc 4 vở, đơn đặt hàng tới tấp.

Và chắc là bà còn nhiều kỷ niệm sâu đậm với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ?

- Do vở đầu thắng lợi, vở tiếp theo ăn khách, thế là các đoàn đua nhau đặt cả đôi. Chúng tôi say nghề, làm việc ăn ý. Năng lượng sáng tạo của Vũ tuyệt vời. Có những vở diễn sốt vé, các đoàn đặt hàng liên tục. Đoàn Chèo Hải Phòng đặt chúng tôi làm 2 vở: Muối mặn đời em, Linh hồn của đá. Đang làm Linh hồn của đá thì tác giả qua đời. Lúc Vũ sống, chúng tôi làm 18 vở, khi anh qua đời, thì còn làm 6 vở nữa.

Vũ mất nửa tháng, tôi và họa sĩ Doãn Châu, người đã bế Vũ trên tay với hơi thở cuối cùng, lại đi làm vở Trái tim trong trắng và còn nhiều vở khác nữa.

Người bạn tài năng kiệt xuất đã mất sớm, kỷ niệm nào cũng được trân trọng. Sau Sống mãi tuổi 17, tôi đặt Lưu Quang Vũ viết tiếp Mùa Hạ cuối cùng (1981) rồi Lời nói dối cuối cùng (1985). Dám phản ánh trực diện những mặt trái, vấn đề xã hội, từ cuộc sống đời thường quanh ta, nên kịch Lưu Quang Vũ hấp dẫn, gây đồng cảm lớn. Người tốt nhà số 5 viết về một số nhà gồm nhiều hộ.

Ở đó, hộ người tốt bị “lạc lõng” khi xung quanh là những kẻ ích kỷ, tham lam và đố kỵ. Năm 1985, Hội diễn tại Vinh, có dư luận của một số người “biểu diễn lập trường” cho rằng, chúng tôi ám chỉ xã hội này người tốt ít, kẻ xấu nhiều qua vở Người tốt nhà số 5. Bực mình, hai chúng tôi bỏ về Hà Nội, vở đoạt HCV, không có tác giả, đạo diễn lên sân khấu nhận giải.

Qua đời 25 năm, kịch Lưu Quang Vũ vẫn có sức sống. Một số ý kiến cho rằng, vì bây giờ mọi thứ bão hòa, các loại hình nghệ thuật đều giảm người xem, không phải thiếu nhân tài?

- Thời Lưu Quang Vũ sung sức nhất cũng là giai đoạn hoàng kim của sân khấu Việt Nam. Đúng là có tâm lý hoài niệm, cái gì của ngày xưa cũng hay, đẹp, được nhớ, tiếc. Song thử hỏi, ai có khả năng làm chuyển động nên sân khấu đang ì hiện nay, được một phần như Vũ, tác giả cứu sống cho mấy chục đoàn từ Bắc vào Nam, trăm nghệ sĩ thành danh qua các vở của Lưu Quang Vũ.

Vậy bà cắt nghĩa sức hút của kịch Lưu Quang Vũ thế nào?

- Lưu Quang Vũ dám phê phán những cái xấu. Anh nắm bắt tinh nhạy nhiều cảnh đời, số phận có thật để làm chất liệu sáng tạo. Nếu anh không đốt lửa (1986, Nhà hát Kịch VN) đề cập việc ủy viên T.Ư Đảng bị đối xử kém. Đấy là do cơ chế bao cấp quan liêu. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là nguyên mẫu cho Vũ viết.

Đồng chí có đến xem khi vở diễn tại Cung Việt Xô ngày đó. Tôi và Vũ ngồi trên tầng 2, phía dàn đèn, hồi hộp quan sát. Xem chăm chú, Tổng Bí thư đã cho trợ lý tìm chúng tôi, bảo cuối giờ lên sân khấu để ông cảm ơn, tặng hoa. Đưa ra các vấn nạn, nhức nhối nổi cộm, dai dẳng trong xã hội, lại xây dựng các tình huống kịch bất ngờ, hài hước, thoại hay, làm gì chẳng hấp dẫn. Chưa kể, vở nào của Vũ cũng có chất lãng mạn, nhân hậu. Dù căng thẳng, bi kịch, thất vọng thế nào thì gần kết, đến hết, anh lại đưa nhân vật về quỹ đạo tin tưởng, hy vọng. Bà mẹ trong Lời thề thứ 9 là người kêu gọi các anh lính trẻ trở về đơn vị, phải tin ở lãnh đạo, sự thay đổi tích cực của đất nước. Vũ là nghệ sĩ bẩm sinh, niềm tin ấy là sự trong sáng đẹp đẽ của tâm hồn truyền tới mọi người, cho họ niềm tin có lý có tình vào con người, vào cuộc sống.

Khá lâu bà không dựng vở mà thành chuyên gia dựng lễ hội?

- Không dựng vở vì sân khấu ít người xem, nên chẳng hào hứng. Tôi hay được mời dựng các lễ hội khó, vì không phải đạo diễn nào cũng viết tốt kịch bản văn học.

Đổng lý ngự tiền văn phòng triều Nguyễn, triều phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt Nam, cha bà - cụ Phạm Khắc Hòe (1902 - 1995) chắc hãnh diện về con gái mình, một cái tên tỏa sáng tiếp nối dòng họ tiếng tăm?

- Cha tôi quê gốc Đức Thọ, Hà Tĩnh, làm quan tại Huế. Cha tôi được sinh ra ở Đà Lạt, ấu thơ ở Huế, thiếu niên thì theo cha lên chiến khu Việt Bắc, khi cha theo Bác Hồ làm cách mạng, tôi vào Đoàn văn công Trung ương khởi đầu là diễn viên múa.

Bà vẫn dạy lớp đạo diễn?

- Tôi có nhiều học trò. Tôi đang dạy đạo diễn lễ hội cho hệ chính quy, tuần 2 buổi sáng thứ 3, thứ 6 mỗi lần xuống khu Văn công Mai Dịch, như lại thấy được gần cha, đang ăn nghỉ tại nghĩa trang Mai Dịch. Lúc nào cũng nhiều việc để làm.

Tôi hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNECO VN, Ủy viên BCH Hội Nữ trí thức VN. Là thành viên Hội đồng nghệ thuật Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, tôi thường xuyên phải đọc, duyệt kịch cho các Nhà hát của Hà Nội, duyệt vở, góp ý.

Bà thức khuya làm việc nhờ café?

- Trước kia, tôi nghiện café, thuốc lá. Năm 2000, làm chương trình 990 năm Thăng Long ở SVĐ Hàng Đẫy xong, bị ốm nặng, thoát vị đĩa đệm bỏ 2 thứ ấy rồi. Cứ 17h30 chiều, tôi đi bộ hai vòng hồ Thành Công.

Bà là nữ tướng của sân khấu, còn ở nhà?

- Thích hoa sen trắng, không cắm đẹp. Không biết nấu ăn. Đã có 4 phim chân dung về tôi. Có đoàn phim muốn quay cảnh tôi đang nấu nướng, thế là đành phải “diễn”. Về kể, con gái tôi cười rũ: Bao năm nay mẹ có nấu ăn đâu (Cười).

Điều gì bà mong nhất bây giờ?

- Tôi bị huyết áp cao, chỉ mong khỏe mạnh để tiếp tục làm việc. Tôi chưa bao giờ có ý định nghỉ hưu. Đợt này tôi bận lắm, chuẩn bị xem liên tục các vở của Lưu Quang Vũ tại rạp Hồng Hà, Đại Nam, NHTT. Nhà hát Tuổi Trẻ lần này dựng 3 vở, tôi coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình.

Xin cảm ơn bà.

Vi Thùy Linh (thực hiện)