Dân Việt

Xây dựng NTM ở Mỹ Đức: Biến khó khăn thành lợi thế

Hữu Thông 20/09/2013 11:05 GMT+7
Chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình cá - lúa; dồn điền đổi thửa để áp dụng khoa học kỹ thuật... Đó là cách Mỹ Đức - một trong những huyện nghèo của Hà Nội vượt khó xây dựng nông thôn mới...
Quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp

An Mỹ được coi là xã điển hình của huyện Mỹ Đức trong việc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… Theo ông Nguyễn Văn Tài- Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Mỹ, trong những năm qua, xã đã sản xuất trình diễn các mô hình luân canh cây trồng để nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác. Nhiều mô hình đã và đang được nông dân trong xã áp dụng, cho hiệu quả kinh tế cao như: Dưa bao tử- lúa mùa - đậu tương đông; bí xanh - lúa mùa - lạc đông; khoai lang - lúa mùa - bí xanh đông.

Hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tạo lợi thế sản xuất nông nghiệp cho Mỹ Đức.
Hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tạo lợi thế sản xuất nông nghiệp cho Mỹ Đức.

Bên cạnh đó, xã cũng đã vận động bà con chuyển đổi diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang mô hình lúa - cá hoặc chăn nuôi- cây ăn quả. Theo thống kê của HTX An Mỹ, đến nay toàn xã đã chuyển đổi được 37ha áp dụng mô hình cá- lúa - chăn nuôi, 11ha cây ăn quả. Những diện tích chuyển đổi bước đầu khẳng định được hiệu quả kinh tế cao gấp hơn 2 lần so với cấy lúa truyền thống. Đặc biệt, sau khi thực hiện thành công công tác dồn điền đổi thửa năm 2012, nông dân An Mỹ đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. “Thành công nhất là chương trình khuyến nông áp dụng tiến bộ kỹ thuật gieo thẳng lúa bằng giàn kéo tay của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Năm 2009, thực hiện trên 10ha, đến vụ xuân năm nay chúng tôi đã thực hiện được 290ha, đạt trên 90% diện tích gieo cấy”- ông Tài cho biết thêm.

Ông Lê Văn Sang - Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 và Chương trình 02 của thành phố, cái được lớn nhất của địa phương là sự đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý, sản xuất kinh doanh trong hệ thống chính trị và người dân. Đến nay, trên địa bàn toàn huyện đều đã có quy hoạch và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nên nông thôn quy củ hơn; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Trong những năm qua, Mỹ Đức đã phê duyệt hàng loạt quy hoạch như sản xuất nông - lâm - thủy sản; đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Thách thức còn nhiều

Từ những đổi mới tư duy đến thực tiễn đời sống sản xuất, trong những năm qua, huyện Mỹ Đức đã có những bước phát triển ấn tượng, nhất là việc cải thiện, từng bước nâng cao thu nhập của người dân. Tính đến nay, bình quân thu nhập đầu người trên toàn huyện đã đạt 15,5 triệu đồng/người/năm tăng 8,9 triệu đồng so với năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20,24% năm 2008 xuống còn 6,9%...

Từ năm 2008 đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho nông nghiệp- thủy lợi của huyện Mỹ Đức ước đạt hơn 401 tỷ đồng.


Ông Phạm Văn Đê - Phó Bí thư Đảng ủy xã An Mỹ cho rằng, dù đời sống người dân ở địa phương đã có những chuyển biến tích cực nhưng thực tế do sản xuất chủ yếu vẫn là cây lúa, hạ tầng nông nghiệp còn yếu, thu nhập của một bộ phận người dân còn thấp nên rất khó huy động sức dân trong xây dựng NTM. Theo ông Đê, nguyên nhân chính là việc tổ chức sản xuất hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm (của mô hình HTX như An Mỹ) còn yếu, thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh… dẫn đến phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa còn chậm… Vì thế, theo ông Đê, trong xây dựng NTM cần xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp như thủy lợi, giao thông... để thực hiện tốt công tác tưới tiêu, vận chuyển, thâm canh tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, biến khó khăn thành lợi thế, hạn chế rủi ro trong sản xuất cho nông dân.