Dân Việt

Hy sinh cả tuổi thanh xuân để “hồi sinh” đôi chân cho chồng

Hà Kiêu (Dòng Đời) 28/07/2013 18:45 GMT+7
Chúng tôi không cầm được nước mắt khi nhìn cảnh người vợ trẻ cõng trên đôi vai gánh nặng nuôi chồng bại liệt, mẹ mù lòa. Với chị, đây là niềm vui, niềm hạnh phúc khi được làm bổn phận “vợ hiền, dâu thảo”.
Chúng tôi biết đến chị Lê Thị Trang (26 tuổi, trú trong một con hẻm nhỏ trên đường Tô Hiệu, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) qua một người bạn đồng nghiệp. Dù chưa một lần nhìn thấy, chưa một lần ghé thăm, nhưng thông qua những lời kể đầy tâm trạng của người bạn, chúng tôi dường như đồng cảm trước số phận nghiệt ngã của cuộc đời người vợ trẻ này. Căn nhà nhỏ nằm ở vùng ngoại ô trong một con hẻm nhỏ đường Tô Hiệu đượm buồn khi chúng tôi ghé thăm.

Buổi sáng định mệnh…

Trong không gian nhỏ hẹp ấy là cả một “thế giới” ốm đau, bệnh tật. Một người đàn ông tật nguyền và một bà lão mù lòa - họ là hai mẹ con. May sao, nhờ có chị - người vợ, người dâu chịu thương chịu khó - cuộc sống gia đình trở nên ấm áp hơn.
Chị Trang đang chăm sóc chồng
Chị Trang đang chăm sóc chồng
Hôm chúng tôi đến, chị Trang đang tất bật vừa lo chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả nhà vừa trông chừng chồng và chăm mẹ. Gặp chúng tôi, chị Trang niềm nở trò chuyện, cái chất giọng khô cứng của người con gái Quảng Nam chính hiệu không lẫn vào đâu. Hỏi về bản thân, chị không ngần ngại kể, mình sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi huyện Đại Lộc trong một gia đình bần nông của Quảng Nam. Gia đình đông anh em nên chị không được may mắn ăn học tới nơi tới chốn mà ở nhà phụ ba mẹ việc đồng lúa, nương khoai.

Trưởng thành vào thời điểm gia đình khó khăn, các em chị đều đi học tốn rất nhiều tiền.Chị đã mạnh dạn xin phép ba mẹ ra làm công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh (TP.Đà Nẵng) để phụ bớt gánh nặng cho gia đình.

Ra Đà Nẵng làm được một thời gian, chị gặp anh Phạm Châu (kém hơn chị 3 tuổi), chàng thanh niên trẻ cũng làm công nhân như chị. Nhờ tính tình dễ thương, hiền lành của anh Châu, tình yêu của anh chị bắt đầu nảy nở. Sáng hay chiều tối, trên chiếc xe gắn máy, anh Châu đều đặn chở chị Trang đi đi về về.

Đến giữa năm 2010, anh Châu đã xin phép ba mẹ được ngỏ lời cầu hôn chị Trang. Lễ đính hôn của hai anh chị được tổ chức trong niềm hạnh phúc của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Nhưng nghiệt ngã thay, chưa đầy 4 tháng sau đó, trên đường đi làm, một tai nạn giao thông đã ập đến và cướp đi sự “tỉnh táo” cùng đôi chân của anh Châu.

“Nghe tin ảnh (anh Châu) bị tai nạn mà đầu em ù cả lên, bỏ dỡ công việc, tức tốc chạy đến bệnh viện để gặp anh ấy. Trên đường đến bệnh viện, liên tiếp nhiều cú điện thoại của người thân gọi đến. Có người báo là anh Châu bị tai nạn rất nguy kịch, không biết có còn sống nổi nữa không, bảo em đi đến để thấy mặt anh lần cuối. Em cuống cuồng và hoảng sợ, em đã nhiều phen bị chúi chụi xuống đường suýt mất mạng” - chị Trang tâm sự.
Chị Trang tập vật lý trị liệu cho anh Châu
Chị Trang tập vật lý trị liệu cho anh Châu
Ở bệnh viện gần 1 tháng nhưng anh Châu vẫn nằm bất động trên giường bệnh. Chị Trang còn nhớ như in cái ngày bác sĩ gọi mẹ và chị vào phòng làm việc nói nhỏ: “Anh Châu chỉ có thể khỏe được như vậy là mừng rồi em à. Em xem nói gia đình lên làm thủ tục đưa về nhà điều trị đi. Hơn nữa, do chấn thương cột sống quá nặng, nên anh Châu có thể sẽ bị liệt tứ chi vĩnh viễn. Nếu có tiền, gia đình nên thường xuyên đưa anh tới trung tâm chỉnh hình tập vật lý trị liệu may ra sẽ khá hơn. Chứ nằm viện riết chỉ tốn tiền mà thôi”. Nghe vậy, mẹ anh Châu khóc òa lên, kéo áo bác sĩ van xin hãy cứu lấy con trai của mình.

Đưa con về nhà, mẹ anh Châu ngày đêm khóc miết đến nỗi khô cạn nước mắt rồi ngất lịm đi phải nhập viện. “Mẹ anh vốn đã mù lòa từ nhỏ, có được đứa con trai là niềm hạnh phúc lớn nhất. Vậy mà…” - chị Trang tâm sự.

Tình yêu không có biên giới…

Trở về từ “cõi chết” sau vụ tai nạn kinh hoàng ấy, anh Châu từ một chàng trai cao ráo (cao 1m75, nặng gần 70kg), hoạt bát, giờ chỉ co rúm, sống chẳng khác sống đời thực vật. Ngày qua ngày làm bạn với chiếc xe lăn.

Từ ngày anh Châu gặp nạn, thương mẹ mù lòa, chị Trang đã xin nghỉ làm công nhân để vào viện thay người mẹ mù lòa chăm sóc anh. Sau một thời gian nhờ sự chăm sóc của mẹ và vợ, anh Châu dần dần tỉnh lại trong niềm vui khôn xiết của gia đình.

Chị Trang nhớ lại ngày ấy, cách đây 3 năm: “Ngày Châu tỉnh lại, cả em và mẹ anh ôm nhau òa khóc nức nở. Mẹ anh mắt mù lòa nhưng vẫn chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền chữa trị cho con. Còn em cũng mang hết số tiền tích cóp trong suốt 4 năm làm công nhân để dồn sức cứu anh qua cơn bạo bệnh, với hy vọng mong manh là vào một ngày nào đó anh Châu có thể trở lại bình phục như trước đây để em nhận được tình thương đích thực của một người chồng”.
Nhiều khi đuối sức, chị Trang lại nhờ hàng xóm đến phụ chị một tay
Nhiều khi đuối sức, chị Trang lại nhờ hàng xóm đến phụ chị một tay
Suốt gần 3 năm trời, chị Trang ở bên để túc trực chăm sóc anh Châu thay mẹ mù lòa. Từng miếng ăn, giấc ngủ, thậm chí cả vệ sinh hằng ngày cho anh Châu đều do bàn tay của chị chăm lo. “Nói thiệt với mấy anh là với ba mẹ ruột của em, em chưa từng một lần làm được như vậy… Nhưng em biết ba mẹ em có biết cũng vui lòng mà thôi. Em tự nguyện mà…” - chị Trang chia sẻ.

Cũng trong thời gian chăm sóc cho chồng, nghe nơi nào có bài thuốc gì trị căn bệnh của chồng, chị đều lặn lội đi tìm mua cho bằng được. Chị Trang cho biết, quãng thời gian chị nghỉ làm ở công ty về để chăm sóc anh, chị không dám kể với bố mẹ mình ở quê. Chị sợ ba mẹ mình sẽ buồn phiền và lo lắng cho con. Nhưng không thể giấu mãi được, cuối cùng chị quyết về quê để xin phép ba mẹ được tổ chức cưới trong khi anh Châu vẫn còn ngồi trên xe lăn.

Nghe tin, ba mẹ chị kịch liệt phản đối, cho rằng lấy anh, chị sẽ không có tương lai và hạnh phúc. Nhưng rồi, bằng tình yêu đích thực, chị Trang cũng thuyết phục được ba mẹ mình đồng ý. Vượt qua mặc cảm và những lời đàm tiếu ra vào của mọi người, chị Trang đến với Châu bằng tình yêu thương của người vợ.

Ngày 6.10.2012 vừa qua, đám cưới của anh Châu và chị Trang diễn ra trong sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè và bà con chòm xóm. Không thịnh soạn, đình đám như bao đám cưới khác, đám cưới anh chị chỉ đơn sơ vỏn vẹn 3 bàn ăn đạm bạc, không phô trương, cầu kỳ. Điều đặc biệt là ai tham dự đám cưới cũng phải thán phục và xem như đây là giấc mơ chỉ có trong những câu chuyện cổ tích.

Bữa tổ chức đám cưới, chị Trang mặc áo sơ mi màu trắng, quần jean, còn chú rể ngồi trên xe lăn với áo sơmi, quần Âu. Đám cưới nhỏ nhưng niềm vui lại lớn và giản dị trong tình yêu đôi lứa. Chị còn nhớ ngày đám cưới, mặc dù mù lòa nhưng mẹ chồng chị đã rưng rưng nước mắt trong niềm vui mừng khó tả: “Có lẽ ông Trời đã ban cho gia đình già con Trang thì phải”.

Người dân nơi đây hết mực ngợi ca tấm lòng thơm thảo của chị Trang, chị như “con thoi” ngày ngày cần mẫn dệt cho đời những “bông hoa” tuyệt vời giữa cuộc sống đời thường hôm nay.