Trước đó, câu chuyện hai chàng trai nghèo lần đầu tiên được nói đến trong một bài báo của phóng viên Billy Baker của Boston Globe. Giờ đây, George Huynh cùng anh trai Johnny Huynh là hai nhân vật chính viết nên câu chuyện cổ tích từ bối cảnh khu ổ chuột Dorchester, ngoại ô Boston, tiểu bang Massachusetts (một khu vực đầy bạo lực).
Mẹ hai chàng trai là bà Nhung Bui, kết hôn với người cha David Huynh lớn hơn bà 4 tuổi mà không có tình yêu, chỉ vì mục đích nhập cư. Khi sang tới Boston năm 1992, bà Nhung Bui phải vật lộn mưu sinh. Hai người sinh được hai bé trai và một bé gái, nhưng phần do hoàn cảnh khó khăn, một phần do không chịu nổi tính khí thất thường của người chồng tâm thần, hai người sớm ly hôn.
Người chồng bỏ nhà ra đi, khi qua đời, ông để lại người vợ không biết nói tiếng Anh và những đứa con nheo nhóc vốn tiếng Việt nghèo nàn. Ý thức được hoàn cảnh, hai anh em tự làm tất cả mọi việc từ nấu ăn, giặt giũ, làm thêm, thức dậy từ lúc 6 giờ đón xe buýt đến trường. Ngoài giờ học, hai anh em còn dạy kèm những đứa trẻ trong khu vực. “Ước mơ của em là được học ở một trường đại học tốt, mỗi tháng không còn phụ thuộc tiền trợ cấp xã hội và có thể sống theo cách riêng mà mình mong muốn” - George cho biết.
Emmett Folgert, đại diện Hiệp hội Hỗ trợ thiếu niên Dorchester, người đã hỗ trợ các em và nhiều thiếu niên đồng cảnh ngộ, cho biết trẻ em ở những khu ổ chuột rất dễ sa vào con đường hư hỏng: “Với kinh nghiệm 30 năm làm việc với những đứa trẻ ở đây, tôi biết rằng George và Johnny đều đang sống trên mép vực và có thể trượt ngã bất kỳ lúc nào”.
Tuy nhiên, ngọn lửa hy vọng lóe lên với Johnny và George khi hai anh em được vào học ở một trường Latin nổi tiếng ở Boston – trường công đầu tiên và lâu đời nhất nước Mỹ hiện nay. Do chăm chỉ học tập nên người anh của George, Johnny Huynh (19 tuổi), đã đỗ vào Trường ĐH công lập Massachusetts Amherst.
Tuy nhiên, dù học giỏi đến mấy cậu học trò nghèo cũng chỉ là thiếu niên, vẫn mơ ước được khoác lên mình những chiếc áo đẹp. “Em ganh tị. Nhưng chỉ là ganh tị thôi bởi em vẫn phải đi làm thêm để phục vụ những nhu cầu cơ bản. Đó là lựa chọn duy nhất của em”, người anh Johnny nói với Boston Globe về những chiếc áo ấm đắt tiền bạn bè trong lớp hay mặc.
Do quá nghèo nên trong bài báo 2 năm trước, hai em em thổ lộ nỗi lo lắng không đủ tiền mua sách vở. Phóng viên Baker đã đồng hành với hai anh em trong suốt thời gian đó. Anh thường xuyên dẫn hai anh em đi ăn tối và mang cho người anh chiếc tủ lạnh khi cậu trở thành sinh viên năm nhất Trường ĐH Massachusetts Amherst.
Giờ đây, cậu bé George Huynh đã không khiến mọi người thất vọng khi giành học bổng vào ĐH Yale lừng danh. Chứng kiến câu chuyện của hai anh em, nhà báo Billy Baker viết: “Bạn đến từ đầu không quan trọng, điều quan trọng là bạn sẽ đi được tới đâu".