Dân Việt

Lãng phí các công trình cấp nước miền núi ở Gia Lai

Quốc Dinh 16/10/2013 13:11 GMT+7
Trong khi hàng loạt các công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc chỉ để “đắp chiếu”, dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng thì các số liệu báo cáo của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (NSH&VSMTNT) tỉnh Gia Lai vẫn rất “hoành tráng”...
Bài cuối: Cần quy định rõ cấp quản lý

Làm dở, báo cáo hay


Theo báo cáo của Trung tâm NSH&VSMTNT Gia Lai gửi Sở NNPTNT tỉnh này, đã có 80% dân số khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh được sử dụng nước sạch; gần 600 trường học ở những khu vực này có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh (chiếm 89%); 95% trạm y tế xã cũng đã có công trình cấp nước và nhà tiêu. Vậy không biết, Trung tâm đã dựa vào tiêu chí nào để kiểm tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả của các công trình trên?

img

Công trình cấp nước buôn Hoang 1, xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) được quản lý khá tốt.

Việc hàng loạt công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả, hoặc đang trùm mền đã gây lãng phí tiền tỷ, Trung tâm NSH&VSMTNT tỉnh Gia Lai không thể chối bỏ trách nhiệm. Một ví dụ cụ thể là công trình nước tự chảy ở làng Hưng Dờng, xã Kông Yang, huyện Kon Chro, vì sao mới sử dụng mấy tháng đã hỏng, cũng như tại sao Trung tâm vẫn ký văn bản duyệt thanh toán dù công trình đang trong thời gian bảo hành (12 tháng) để đơn vị thi công rút hơn 30 triệu đồng, phía trung tâm có biết?

Với những câu hỏi này của phóng viên, ông Bùi Văn Tam - Giám đốc Trung tâm NSH&VSMTNT Gia Lai đã nói rằng do trung tâm thiếu người, do các địa phương buông lỏng quản lý khiến công trình hư hỏng. Và “vì tôi tưởng họ kiểm tra rồi, có đóng dấu xác nhận vào đơn xong rồi tôi mới ký” – ông Tam đổ trách nhiệm cho các địa phương.

Trước thực trạng xây dựng các công trình cấp nước trên địa bàn kém hiệu quả, dân không có nước sạch sử dụng, mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo và giao cho Sở NNPTNT kiểm điểm trách nhiệm của Giám đốc Trung tâm NSH&VSMTNT Gia Lai vì lựa chọn địa điểm đầu tư và phương án thiết kế xây dựng chưa phù hợp, chưa đồng bộ, thiếu đánh giá chất lượng nguồn nước dẫn đến công trình hoạt động kém hiệu quả. Đồng thời, tỉnh yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã để xảy ra các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động; phê bình Sở NNPTNT vì đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị trên trong việc đầu tư xây dựng và tổ chức quản lý khai thác công trình…

Mô hình quản lý tốt

Để tránh lãng phí các công trình cấp nước, nâng cao hiệu quả, ông Nguyễn Kim Đại - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai cho rằng, cần quy định phân cấp quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó giải pháp trước hết là phải xây dựng mô hình quản lý tập trung giao cho công ty hoặc đội dịch vụ đô thị của huyện quản lý.

"Cần giao cho một đơn vị đầu mối của huyện đứng ra quản lý khai thác đảm bảo lấy thu bù chi cho công tác quản lý, tiền điện, tiền duy tu bảo quản, sửa chữa...”.

Ông Nguyễn Kim Đại


Trong quá trình đi khảo sát, chúng tôi đã ghi nhận những điểm sáng về cách quản lý của công trình cấp nước rất hiệu quả, như mô hình của xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa). Ông Nguyễn Hữu Bình - cán bộ giao thông thủy lợi xã Ia Sao, phụ trách nước sinh hoạt nông thôn của xã cho biết: Ban quản lý gồm 3 người, do cán bộ của xã làm trưởng ban. Từ năm 2009, giá nước thu 4.000 đồng/m3 và tiền hỗ trợ cho cán bộ quản lý là 750.000 đồng/tháng. Số dư còn lại sau khi thanh toán tiền điện, dùng để tích lũy cho việc duy tu, sửa chữa.

Nhờ đó, công tác duy tu, sửa chữa và khắc phục sự cố về đường ống, nguồn điện và sự cố về máy bơm được thường xuyên và kịp thời. “Mỗi lần máy bơm bị cháy, tiền sửa chữa hơn 10 triệu đồng, chúng tôi đều trích từ quỹ dự phòng ra để trả, chưa bao giờ chúng tôi để người dân phải thiếu nước quá 2 ngày. Giờ thì chúng tôi còn có thể tự đứng ra sửa chữa những hư hỏng nhỏ để tiết kiệm chi phí”-ông Bình cho biết thêm.