Cầm lá đơn trên tay, với vẻ mặt hốc hác, mệt mỏi, ông Ngô Công Thúc và ông Phạm Ngọc Chiên ở xã Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định kể: Nhận được giấy báo dự tư vấn pháp luật, chúng tôi mừng quá. Bởi vậy để kịp thời gian, chúng tôi đã phải thức dậy từ 2 giờ sáng để đón xe lên Hà Nội gặp luật sư. Hy vọng bức xúc của bà con sẽ được giải tỏa. Rồi ông Thúc trình bày: Trường Tiểu học B của xã trước đây ở xóm 15. Vì diện tích chật hẹp, không đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nên trường đã được di chuyển về xóm 19. Trước khi di chuyển người dân đã có ý kiến với HĐND và UBND xã rằng khu đất trường cũ phải thanh lý dãn dân để lấy tiền đầu tư cho trường mới.
Luật sư (phải) đang tư vấn cho người dân.
Tuy nhiên xã đã tự ý cắt một phần đất cho chùa Cát Tường; việc quản lý tài chính, đất đai của xã cũng có nhiều sai phạm... Thanh tra huyện đã chỉ rõ nhưng không xử lý. Rõ ràng có việc bao che. Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự ) hỏi: Văn bản ấy đâu? Ông Thúc đưa ra một tờ biên bản làm việc, trong đó ghi rõ ý kiến của ông Nguyễn Văn Thịnh- Phó Chánh thanh tra huyện:“ Xã đã thực hiện không đúng quy trình và thẩm quyền giao đất”. Luật sư Tuấn giải thích, biên bản làm việc không phải là văn bản pháp quy. Sau khi thanh tra bao giờ cũng phải có kết luận thanh tra; việc giải quyết đơn khiếu nại bao giờ cũng phải thể hiện bằng quyết định, trong đó chỉ rõ đúng, sai biện pháp giải quyết. Đó mới là văn bản pháp lý có giá trị buộc đương sự thực hiện. Vậy nên cần phải đôn đốc Đoàn thanh tra để có được kết luận, chứ bây giờ chưa thể khẳng định có sự bao che.
Tại buổi tư vấn pháp luật sáng qua, hầu hết các thắc mắc của người dân đều liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải quyết tái định cư. Ngoài ra, còn một số ý kiến thắc mắc đến việc tố cáo, xử lý các hành vi vi phạm về tiêu cực, tham nhũng ở cơ sở. Sau khi nghe các luật sư tư vấn, nhiều người dân đã hồ hởi cho biết đã có cách để giải quyết các vụ việc theo đúng các trình tự thủ tục pháp luật.
|
Đến từ Thái Nguyên, ông Đinh Thanh Bình bày tỏ: Năm 1985 gia đình ông được HTX giao 10.000m2 đất vườn tạp và 333,8m2 đất thổ cư, hàng năm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế cho Nhà nước. Ông đã nhiều lần làm đơn đề nghị UBND xã làm thủ tục cấp sổ đỏ, nhưng chưa được giải quyết. Bỗng nhiên có một người cùng xã “nhảy” vào tranh chấp mảnh đất trên với gia đình ông. Ông đã nhiều lần làm đơn gửi xã, huyện nhưng không được giải quyết. “Thế xã đã tổ chức gặp gỡ đôi bên hòa giải chưa?” - Luật sư Tuấn hỏi. Xã hòa giải nhiều lần rồi nhưng không thành- ông Bình trả lời. Luật sư Tuấn giải thích, theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các nghị định hướng dẫn thi hành thì trong việc giải quyết tranh chấp đất đai, cấp xã nơi xảy ra tranh chấp có trách nhiệm phối hợp với MTTQ, Đoàn TN… để tổ chức hòa giải. Nếu hòa giải không thành, thì bước giải quyết tiếp theo (trong trường hợp đất không có GCNQSDĐ như ông) thì việc giải quyết thuộc UBND cấp huyện. Như vậy hòa giải là một thủ tục trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Còn việc ông được giao đất gần 20 năm nay mà chưa được cấp GCNQSDĐ là một thiếu sót của cơ quan nhà nước có liên quan. Để rõ việc này, ông làm đơn gửi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.
“Tôi cứ nghĩ hòa giải không phải là giải quyết, tôi đã trách nhầm xã rồi”- ông Bình tỏ ra ân hận.