Hang cướp biển
Vách đá của bãi Yến cao dựng đứng, những con thuyền lớn có thể cập sát ngay vách đá, cạnh cái cầu tàu kinh khủng luôn ầm ầm bọt sóng ấy là một cái hang sâu thăm thẳm. Trần hang cao là nơi loài chim yến đã chọn để làm tổ. Lòng hang có thể chứa hàng trăm người.
Hang Yến nổi tiếng trên Cù lao Chàm. |
Vào được hang không có cách nào khác là phải bơi (bằng thuyền nhỏ hay bằng tay). Đây chính là bãi Yến nổi tiếng, nơi trở về của các con tàu khắp miền Trung đi tìm miền đất hứa.
Thoạt đầu, những người dân Cù Lao Chàm không biết đến địa điểm này là nơi các thuyền vượt biên trở về. Họ chỉ ngỡ ngàng khi lần đầu tiên (đầu những năm 80 thế kỷ trước) thấy một đoàn người thảm hại, rách rưới, máu me bởi những vết đá cào xước kéo nhau lên đảo từ hướng hang Yến. Họ xin ăn, rồi họ quỳ lạy các ngư dân rủ lòng thương đưa thuyền ra bãi Yến đón đàn bà, trẻ con còn mắc kẹt lại đó.
Khi các đoàn thuyền giải cứu đến nơi chỉ thấy người trong hang Yến đang nằm thoi thóp như những bóng ma. Không hiểu họ đến đó bằng cách nào và để làm gì? Họ chỉ khai: Thuyền của họ bị cướp ngoài biển khi đi đánh cá, chở hàng, sau đó bọn cướp biển mang họ vứt lên hang Yến… Chỉ khi bàn giao đám người này cho bộ đội biên phòng, họ mới biết đó là những kẻ vượt biên.
Rồi dồn dập những con tàu của những kẻ ham mê ảo ảnh dạt vào đây. Với những con tàu bị cạn dầu, cạn lương dạt vào thì tình cảnh không thê lương cho lắm dù vài con tàu cũng có người chết vì kiệt sức. Những con tàu là nạn nhân của lũ cướp biển thì tình cảnh thật vô cùng điên loạn.
Mong ước được… chết
Anh Trần Sĩ Ba giờ có một hàng cơm gà khá nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam). Nhắc về kỷ niệm với hang Yến, anh chỉ vào vết sẹo dài trên trán: “Có bà trên tàu vượt biên đòi tự tử, tui cản lại nên bị vết thẹo này”.
Tháng 3.1987, khi đánh cá đêm, anh Ba thấy con tàu nhỏ cập vào hang Yến. Dưới ánh đuốc khói mờ mịt, vài chục người đàn ông nằm la liệt trên sàn tàu. Người cầm lái là người duy nhất còn tỉnh táo nhưng bốc mùi hôi thối khủng khiếp. Trong hầm tàu bỗng bật ra những tiếng gào rú như điên dại. Phân công anh em tập trung những người kiệt sức lại cho uống nước, anh Ba cùng một người nữa xuống kiểm tra hầm tàu.
Trong hầm tàu là 3 người phụ nữ bị trói chặt, áo quần tả tơi, 2 người đã xỉu, còn một người vẫn quẫy đạp như điên dại. Anh cắt dây trói cho cả 3 người rồi đưa 2 người ngất xỉu lên sàn tàu, lúc quay lại, anh đã thấy người phụ nữ còn tỉnh táo nắm chặt con dao anh vừa dùng cắt dây trói đưa lên ngang cổ. Hoảng hồn, anh Ba lao vào gạt tay, con dao trượt đi cắt một vết dài trên mặt anh, người đàn bà sức đã quá yếu, quỳ xuống van xin: “Xin ông hay để cho tôi được chết”.
Người đàn ông duy nhất còn tỉnh táo cầm lái ấy tên Hướng, lên tàu từ cửa biển Thuận An (Thừa Thiên – Huế). Chuyến đi ấy gồm hai tàu với khoảng 60 người, sau ngày đi biển thứ nhất khi mọi người trên tàu nằm bệt vì say sóng, đám người trà trộn trên 2 tàu lộ nguyên hình là những tên cướp biển.
Tài sản, hành lý, tư trang bị trấn lột sạch, rồi những con người khốn khổ bị lùa sang con tàu cũ nát không có dầu, thức ăn, nước uống. 4 người phụ nữ trên tàu bị những tên cướp biển thay nhau hãm hiếp đến ngất xỉu trước mắt của tất thảy mọi người.
Cơn hoảng loạn, ê chề, nhục nhã đã khiến những người phụ nữ khi tỉnh lại muốn chết. Sau khi một người lén nhảy xuống biển tự vẫn, mọi người buộc phải trói những người còn lại rồi đưa xuống hầm tàu.
Những cơn ác mộng như thế cứ xuất hiện liên tục ở hang Yến…
Kỳ 3: Trăn trở trong thời mới
Nam Hải – Đình Thiên