Dân Việt

Dân nghèo ngoài tầm hỗ trợ: Ban hành quyết định cho... có?

Minh Nguyệt 22/09/2013 06:50 GMT+7
Ngày 14.9, phóng viên Báo NTNN quay lại gia đình chị Trần Thị Mến - nhân vật trong bài "Thảm cảnh mẹ con bệnh nhân nghèo" (NTNN số 219/2013) với mong muốn giúp đỡ làm thủ tục để chị có thể nhận chính sách cho người nghèo.
Nhưng, tất cả cơ quan chịu trách nhiệm thực thi chính sách đều trả lời không biết.

Bệnh viện không hay biết

Sáng 14.9, phóng viên NTNN đã quay lại ngôi nhà của mẹ con chị Trần Thị Mến tại thôn Đồng Tiến (xã Thiệu Tâm, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá). Trong ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng, cũ nát, bệnh nhi Trần Đức Mạnh (8 tuổi) – con chị Mến đang nằm còng queo trên giường. Chị gái Mạnh lên lớp 7 nhưng dáng vẻ nhỏ bé như mới học lớp 2 đang đút từng thìa cháo trắng cho em.

Vào vụ mùa, chị Mến đang đi gặt lúa thuê những mong kiếm thêm chút tiền để điều trị nhiễm trùng cho cậu con trai sau khi được mổ tim tháng 8.2013. Chị Mến cho biết, theo lịch hẹn của BV Việt Đức và BV Nhi Nghệ An, bé Mạnh phải tái khám 1 tháng/lần nhưng chị không có tiền để đưa con đi khám theo lịch hẹn nữa.

Chị Mến nghẹn ngào kể về hoàn cảnh éo le của 3 mẹ con.
Chị Mến nghẹn ngào kể về hoàn cảnh éo le của 3 mẹ con.

Chiều 14.9, phóng viên có buổi làm việc với Ban giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá, nơi chị Mến đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu cho chị và 2 con. Theo Quyết định 14/2012 và Quyết định 2760/2013 của UBND tỉnh Thanh Hoá thì BV này phải hướng dẫn các thủ tục, thanh toán cho bệnh nhân nghèo chế độ đi lại, ăn và một phần chi phí KCB. Thế nhưng, ông Đỗ Đình Hùng – Giám đốc BV không biết gì về việc thực thi chính sách này.

Đại diện Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Uỷ ban thường xuyên giám sát việc thực hiện Luật BHYT, đặc biệt là việc cấp, sử dụng thẻ BHYT dành cho người nghèo.

Hiện thẻ BHYT đã thanh toán tới 95% chi phí khám chữa bệnh, người bệnh chỉ phải chi trả thêm 5%. Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ chủ yếu để hỗ trợ khoản 5% còn lại với những gia đình không có khả năng chi trả, đồng thời hỗ trợ một phần chi phí ngoài y tế, như ăn uống, đi lại cho các bệnh nhân nghèo.


Về việc thực thi Quyết định 14 chỉ có rất ít địa phương thực hiện được. Một số địa phương kêu khó, kêu thiếu ngân sách. Quốc hội đã yêu cầu Bộ Y tế phải báo cáo trước Quốc hội về việc thực thi các văn bản này.

Trường hợp các tỉnh không triển khai thực hiện thì rõ ràng đã vi phạm quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

"BV luôn làm tốt công tác chuyên môn, ngoài ra chúng tôi vẫn thường tặng quà, hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo không nơi nương tựa. Riêng trường hợp bệnh nhân Trần Đức Mạnh (con chị Mến), có thể không điều trị tại BV hoặc quá trình điều trị quá ngắn nên chúng tôi không biết"– ông Hùng khẳng định.

Khi phóng viên đưa ra các bằng chứng chứng minh là bệnh nhân Trần Đức Mạnh đã khám sàng lọc vào tháng 1.2013 tại BV và tiếp tục nằm điều trị hậu phẫu (sau khi mổ tại BV Việt Đức) tại BV vào tháng 8.2013 thì ông Hùng mới công nhận. Trong suốt quá trình này, chị Mến không được hướng dẫn hỗ trợ nhận tiền đi lại khi khám bệnh, tiền ăn…

Hơn thế, theo chị Mến, trong quá trình nằm viện, dù biết hoàn cảnh nhà chị Mến cùng khổ nhưng mỗi lần thay băng vết mổ tim cho con chị, nhân viên BV đều yêu cầu chị đưa 50.000 đồng/lần. Trả lời cho câu hỏi: Có hay không việc nhân viên tại BV không những không hướng dẫn thủ tục hỗ trợ bệnh nhân nghèo, mà sách nhiễu, vòi vĩnh tiền của bệnh nhân, ông Hùng cho rằng: “Đúng là ở chỗ này chỗ kia còn có những bác sĩ chưa gương mẫu, chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về việc này, BV lắng nghe và sẽ có điều tra làm rõ”.

Khi được hỏi về việc thực hiện Quyết định 14/2012, và Quyết định 2760/2013 của UBND tỉnh Thanh Hoá, ông Hùng cho hay: "Quyết định 14 thì Ban giám đốc đã tiếp nhận, còn Quyết định 2760 thì BV vẫn chưa hay biết. Không biết đơn vị nào triển khai nhưng chúng tôi chưa được phổ biến".

Ông Nguyễn Lê Lâm – Phó Giám đốc BV Đa khoa huyện Thiệu Hoá cũng thừa nhận: "Hiện nay, việc điều trị cho người nghèo chủ yếu chi trả theo BHYT, ngoài ra không còn hỗ trợ nào khác. Quyết định 139 trước đây cũng chỉ hỗ trợ các chi phí y tế, còn phần hỗ trợ ngoài y tế thì không có".

Theo ông Lâm, năm 2012 BV tiếp nhận điều trị ngoại trú cho 67.921 lượt bệnh nhân, nội trú cho 11.596 bệnh nhân. Trong đó, số lượng bệnh nhân nghèo có BHYT được khám điều trị đối với ngoại trú là 5.857 bệnh nhân; điều trị nội trú là 1.322 bệnh nhân (hơn 10%). "Với số lượng bệnh nhân nghèo khám và điều trị nhiều như thế này, không biết phải bỏ bao tiền hỗ trợ mới đủ"- ông Lâm băn khoăn.

Có quyết định nhưng thiếu... tiền

Liên quan tới triển khai Quyết định 2706/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa, ngày 15.9, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Bích – Phó Giám đốc Sở Y tế. Bà Bích cho biết: “Hiện nay, Sở mới tiếp nhận Quyết định 14 và Quyết định 2760 về việc hướng dẫn thực thi quyết định hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo. Tuy nhiên, vì chưa có kinh phí nên chưa triển khai được. Hiện Sở đang làm việc với Sở Tài chính để bố trí ngân sách, sớm nhất cũng phải sang năm 2014 may ra mới bắt đầu hỗ trợ được”.

Khi được hỏi về việc trước khi có Quyết định 14, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 139 và Sở đã thực hiện thế nào, thì bà Bích cho biết: “Thực ra nguồn kinh phí của Quỹ 139 không nhiều nên cũng chỉ thực hiện hỗ trợ trong phạm vi dịch vụ y tế, còn việc hỗ trợ ngoài y tế thì hoàn toàn không có”.

Chiều cùng ngày, phóng viên có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hoá, để làm rõ việc triển khai thực hiện Quyết định 2760, tuy nhiên ông Nguyễn Duy Ngọc- Thư ký Văn phòng uỷ ban cho biết, các lãnh đạo bận và không thể trả lời phóng viên báo chí được. “Văn bản đã ban hành rồi, giờ các đơn vị cứ thế thực thi thôi. Có thế nào báo chí cứ phản ánh tại địa phương”- ông Ngọc nói.

Như vậy, đằng sau một quyết định rất nhân văn nhưng thực tế áp dụng vào thực tiễn lại không được. Vì sự chậm trễ này mà hàng nghìn bệnh nhân nghèo tại Thanh Hóa không thể tiếp cận được với chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, tính mạng của họ thì đang bị đe doạ từng ngày, từng giờ.

Luật sư Nguyễn Minh Hải – Công ty Luật Youme: Trách nhiệm thuộc chủ tịch UBND tỉnh

Tại Điều 6 Quyết định 14/2012/QĐ-TTg ngày 1.3.2012 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo có quy định: “Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này”.

Khoản 1 Điều 3 Quyết định 14/2012/QĐ-TTg cũng quy định: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm củng cố, duy trì và phát triển Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo; quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ”. Do đó, việc triển khai chính sách củng cố duy trì, phát triển Quỹ Khám, chữa bệnh cho người nghèo ở từng địa phương là trách nhiệm của UBND tỉnh, mà đứng đầu là chủ tịch UBND tỉnh.

Đối chiếu với trường hợp của một số UBND tỉnh mà Báo NTNN đã nêu, điển hình như UBND tỉnh Thanh Hóa, đã có văn bản về kế hoạch triển khai Quyết định 14/2012/QĐ-TTg, phân công trách nhiệm thực hiện cho các sở liên ngành và các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, việc phân công này lại không được thực hiện trên thực tế, thì trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu ủy ban nhân dân tỉnh là chủ tịch. Vì: Theo khoản 1 Điều 10 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có nghĩa vụ: “Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Việc không hoàn thành trách nhiệm được giao, theo Điều 78 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, cán bộ phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật: “1. Cán bộ vi phạm quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách, b) Cảnh cáo, c) Cách chức, d) Bãi nhiệm; 2. Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ…”.

Theo tôi, chính sách đã có mà cán bộ không thực thi, vì bất cứ lý do gì (nếu không thực thi được thì phải báo cáo lại để sửa đổi) thì đều phải chịu trách nhiệm và bị kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức.