Dân Việt

Vượt đường đồi núi, đón Tết Độc lập ở Mường Lát

Thế Lượng 01/09/2013 19:27 GMT+7
Tết Độc lập được người Mông và nhiều dân tộc vùng cao coi trọng như Tết Nguyên đán cổ truyền. Nhiều chàng trai, cô gái người Mông phải vượt qua quãng đường đồi núi gần 100km để xuống trung tâm Mường Lát đón Tết Độc lập.
Như thường lệ hằng năm, cứ vào độ 31.8 đến 2.9, tại thị trấn Mường Lát, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát, Thanh Hóa, hàng vạn đồng bao các dân tộc Mông, Dao, Thái, Khơ Mú... từ khắp các bản làng trong huyện lại nô nức kéo nhau về trung tâm huyện để vui Tết Độc lập (2.9).

img

Từ sáng sớm 31.8, đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú.. đã có mặt tại trung tâm huyện Mường Lát để tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao và mua sắm đồ dùng tại chợ. Tết Độc lập được người Mông và nhiều dân tộc vùng cao coi trọng như Tết Nguyên đán cổ truyền.

Để vui chơi trong những ngày Tết Độc lập, các chàng trai, cô gái người Mông đã chuẩn bị cho mình những bộ váy, áo đủ màu sắc, với hoa văn đặc sắc theo nét văn hóa của dân tộc mình. Nhiều chàng trai, cô gái người Mông phải vượt qua quãng đường đồi núi gần 100km để được đón Tết Độc lập vui vẻ.

Năm nay, để chào mừng Ngày Quốc khánh, UBND huyện Mường Lát đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như: thi bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, đánh bóng chuyền, hoạt động văn nghệ “Mừng Đảng, mừng đất nước”.

Đặc biệt năm nay huyện Mường Lát không tổ chức làm các món ăn thắng cố (nấu bằng thịt ngựa) phục vụ đồng bào và du khách tại nhà văn hóa của huyện như các năm trước mà đã giao cho các cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh làm để phục vụ nhân dân.

img

Ông Lâu Minh Pó- Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát, cho biết: “Đồng bào dân tộc Mông rất coi trọng Tết Độc lập, bởi có nguyên nhân bắt nguồn từ trong lịch sử phát triển của đồng bào dân tộc Mông.

Từ xa xưa, trong các cuộc chiến tranh, người Mông bị kẻ thù truy sát, nên phải chạy đi trú ẩn khắp nơi, trong đó có phần đất của Việt Nam ta ngày nay. Để trốn kẻ thù, người Mông chọn cách sinh sống trên các ngọn núi cao, vùng đất hiểm trở nhất.

Các cụ kể lại rằng, người Mông dặn dò con cháu cứ chạy ngược lên theo các con suối, khi nào thấy con suối chỉ còn nhỏ như cái dây nỏ, thì dừng lại lập bản mà sinh sống. Sinh sống ở trên cao, người Mông dễ quan sát kẻ thù và cũng dễ tấn công lại kẻ xấu khi gặp nguy hiểm…

Cách mạng Tháng Tám thành công, người Mông sung sướng vô cùng bởi được tuyên truyền để tự giải phóng khỏi quan niệm “chỉ sống cô lập trên núi cao”. Cũng từ đây người Mông có dịp xuống núi, được giao lưu với các dân tộc anh em…


Do đó, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Quốc khánh, là đồng bào dân tộc Mông lại nô nức xuống trung tâm huyện lỵ để vui Tết Độc lập".