Dân Việt

Nông dân giàu, nông thôn đổi mới

Thuận Hải – Hữu Ký 13/09/2013 09:50 GMT+7
Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tăng giúp chất lượng cuộc sống được nâng cao, diện mạo thôn, xóm thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn...
Những đổi thay này là kết quả của quá trình 5 năm TP.HCM phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), vừa được Thành ủy TP.HCM sơ kết sáng 12.9.

Chuyển mình, lớn dậy

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Liêm – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, để thực hiện thành công công cuộc phát triển nông nghiệp, thành phố đã đẩy mạnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại ngành sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của địa phương. Trong đó, điểm nhấn của TP.HCM là phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra sản lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

Rau an toàn là một trong những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM.
Rau an toàn là một trong những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM.

Chia sẻ niềm vui của gia đình trong sản xuất nông nghiệp những năm qua tại hội nghị, bà Trần Ngọc Tuyết (ngụ xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) cho biết, nếu như trước đây gia đình bà sống chật vật vì việc trồng lúa, hoa màu không thuận lợi, giá cả bấp bênh thì nay, thu nhập từ vườn lan cắt cành đã giúp gia đình có cuộc sống khá giả hơn. Doanh thu từ vườn lan rộng 4,6 ha với số lượng gốc đạt hơn 60.000 gốc đạt bình quân 1,8 tỷ đồng. “Trừ chi phí công lao động, phân bón và các vật tư nông nghiệp khác, lợi nhuận mỗi năm khoảng 1,3 tỷ đồng” -bà Tuyết chia sẻ.

Hay như ông Lê Văn Tâm (ngụ xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ) nhiều năm sống bấp bênh với 0,7 ha ruộng lúa nước, đến khi phong trào nuôi tôm sú tại các xã ven biển rộ lên, ông Tâm cũng đào ao, thả giống. Tuy nhiên, nuôi tôm ngày càng khó khăn do dịch bệnh lan tràn, ông Tâm chuyển sang nuôi cua.

Đến năm 2013, ông Tâm tập trung hoàn toàn cho việc nuôi cua, mỗi năm 3 vụ, mỗi vụ 3 tháng. “Theo hạch toán của gia đình, lợi nhuận mỗi vụ nuôi cua trên diện tích 0,8ha đất hiện đạt hơn 38 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn kết hợp làm mô hình du lịch sinh thái cho khách tham quan giải trí với các hình thức câu cua, cá…” - ông Tâm chia sẻ.

Báo cáo của Sở NNPTNT cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP nông – lâm – ngư nghiệp thành phố trong 5 năm qua đạt 4,6%, cao hơn so với mức tăng 2,9% của cả nước, 6 tháng đầu năm 2013 tăng 7%, tốc độ tăng bình quân GDP 2009 – 2013 đạt 5%/năm.

Còn nhiều tiềm năng

Nói về những kết quả sau 5 năm thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 26 về tam nông, ông Trần Trường Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết, tính đến năm 2013, thành phố có gần 700 trang trại, gần 900 cơ sở sản xuất, dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cũng là một điếm nhấn ấn tượng của TP.HCM với hơn 135.000 lượt hội viên, nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp mỗi năm.

TP.HCM đặt mục tiêu nâng giá trị sản xuất bình quân lên mức 450 triệu đồng/ha/năm vào năm 2015 và 800 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020; Đến năm 2015, tỷ lệ lao động nông nghiệp đang làm việc tại TP.HCM có qua đào tạo sẽ đạt 70% và tăng lên 90% vào năm 2020.


Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, là thành phố phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, tuy nhiên hoạt động sản xuất nông nghiệp ở TP.HCM cũng ảnh hưởng tới hơn 1,2 triệu người đang sinh sống vùng ngoại ô thành phố. Đặc biệt, trong công tác xây dựng nông thôn mới, TP.HCM phải là địa phương đi đầu cả nước.

Thành phố có thể đưa ra các chỉ tiêu bổ sung hoặc điều chỉnh các tiêu chí để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phải khai thác được tối đa thị trường tiêu thụ rộng lớn hiện có, tận dụng sự phát triển về khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp” - ông Phát nói.

Ông Nguyễn Văn Đua – Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cũng cho rằng, TP.HCM vẫn có thể làm tốt hơn nữa trong công tác phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bởi lẽ hiện tại, nông nghiệp thành phố vẫn phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ sở vật chất hiện có, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thành phố vẫn rất yếu. “Ví dụ như sản xuất rau an toàn ở thành phố, nông dân các huyện ngoại thành trồng rau an toàn rất nhiều nhưng các nhà hàng, khách sạn ở thành phố vẫn phải nhập khẩu rau từ nước ngoài về” - ông Đua cho ví dụ.

Hay như việc dạy nghề cho người lao động, nhiều địa phương còn làm theo kiểu hời hợt, dạy những nghề thời thượng nhưng không hợp với nhu cầu, khả năng của người nông dân… “thành phố vẫn đủ khả năng để làm tốt hơn nữa công tác phát triển, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới” - ông Đua nhấn mạnh.