Chiều 16.7, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức họp báo để đánh giá kết quả sau 5 năm Hà Nội - Hà Tây hợp nhất.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là trong báo cáo chỉ toàn nói đến những mặt được, hoàn toàn không nhắc đến hạn chế khó khăn của Hà Nội sau 5 năm hợp nhất với Hà Tây.
Buổi họp báo do Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long chủ trì, bên cạnh đó có sự góp mặt của ông Ngô Văn Quý – Giám đốc sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội. Buổi họp báo diễn ra trong 90 phút thì mất đến 70 phút để chủ tọa đọc vắn tắt bản “Báo cáo vắn tắt đánh giá kết quả 5 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội”. Chỉ còn 20 phút cho phần hỏi đáp của báo giới.
Theo bản báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội được đội ngũ cán bộ chủ chốt quát triệt cao, làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, Đảng viên và nhân dân, nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác tổ chức cán bộ cũng như sắp xếp bộ máy.
Sau 5 năm sát nhập, về kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, tăng trưởng GRDP 2008-2012 bình quân đạt 9,45%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.257 USD/người, gấp 1,33 lần năm 2008. Tốc độ tăng trưởng của thủ đô luôn đạt gấp 1,5 lần so với tốc độ của cả nước. Cũng theo báo cáo này ngành thông tin truyền thông có bước phát triển nhanh; kim ngạch xuất khẩu tăng; hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển; lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển; ngành xây dựng tăng trưởng lên tục; sản xuất nông lâm thủy sản năm 2012 gấp 1,8 lần năm 2008; công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu được triển khai tích cực; trong hoạt động thể thao, Hà Nội tiếp tục gặt hái được nhiều thành công… Và tiếp sau đó là một loạt thành tích về giáo dục, y tế, an sinh xã hội…
Tóm lại, theo như báo cáo thì sau 5 năm Hà Nội – Hà Tây hợp nhất, tất cả các lĩnh vực đều diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp, bước tranh Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính đã được vẽ lên toàn màu hồng tươi sáng. Không hề có khó khăn gì này sinh trong quá trình hợp nhất và sau hợp nhất. Không có vướng mắc gì cần tháo gỡ, cũng không có hạn chế gì cần rút kinh nghiệm.
Trong vỏn vẹn 20 phút ít ỏi dành cho báo chí, chỉ đủ thời gian cho 3 nhà báo hỏi (mặc dù vẫn còn nhiều cánh tay giơ lên). Và các câu trả lời cũng hết sức khái lược, tóm tắt, chung chung.
Trước câu hỏi khuyết điểm hạn chế sau 5 năm sát nhập là gì, ông Ngô Văn Quý – Giám đốc sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội cho hay: “Thủ đô tuy có tăng trưởng cao nhưng vấn bộc lộ sự thiếu bền vững, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, huy động vốn đầu tư trong nước chưa xứng với tiềm năng và lợi thế, tình trạng đầu tư công vẫn dàn trải, nhiều dự án triển khai chậm, lĩnh vực đô thị nhà ở phát triển nóng dẫn đến tình trạng cung vượt cầu dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản đóng băng”.
Còn về công tác quy hoạch, quản lý độ thị, quản lý đất đai, vấn đề lao động việc làm, ông Quý trả lời chung chung: “Vẫn còn những hạn chế về ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường… Vấn đề lao động việc làm vùng sâu vùng xa còn khó khăn và khoảng cách giữa thành thị và nông thôn còn xa. Về thủ tục hành chính vẫn chưa được thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp”.
Về vấn đề bất động sản, ông Quý cho biết: “Có nhiều dự án bất động sản được triển khai nhưng bị kẹt sau khi Hà Tây hợp nhất với Hà Nội do điều chỉnh quy hoạch thủ đô. Đến nay những dự án này vẫn bất động vì chưa phù hợp với quy hoạch thủ đô sau khi mở rộng. Phần nữa do thị trường bất động sản đóng băng nên các dự án này gặp rất nhiều khó khăn. Sắp tới sẽ có một số dự án phải dừng lại khi Hà Nội hoàn thiện quy hoạch phân khu”.
Như vậy, với các vấn đề khuyết điểm, hạn chế sau 5 năm sát nhập, nhà báo có hỏi thì chủ tọa mới trả lời. Nhiều nhà báo đặt giả thiết: Nếu như trong 90 phút họp báo, việc đọc báo cáo chỉ diễn ra chừng 20 phút, thời gian còn lại dành cho phần hỏi đáp của báo giới, có lẽ sẽ có nhiều vấn đề nóng của Hà Nội sau hợp nhất được mổ xẻ, phân tích kỹ hơn, sâu hơn.