Dân Việt

Gia đình mở cửa tới ngày 11.10 để nhân dân tới vĩnh biệt Đại tướng

Vân Nga - Xuân Lực 07/10/2013 07:08 GMT+7
Từ 6.10, cho tới hết ngày 11.10, nhân dân trên cả nước có thể tới nhà riêng của Đại tướng để vĩnh biệt người.
Trước đó, ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, từ 14h30' chiều 6.10, người dân có thể tới nhà riêng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, để vĩnh biệt người con kiệt xuất của dân tộc.

Lịch viếng thăm sẽ được kéo dài từ 6.10 cho tới hết ngày 11.10 (Sáng: từ 8h-12h; Chiều: từ 14-18h).

Gia đình Đại tướng gửi lời cảm ơn tình cảm của nhân dân, đồng bào, đồng chí dành cho Đại tướng và thông báo không nhận phúng viếng. Người dân đến Nhà riêng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu tưởng nhớ Đại tướng sẽ được hướng dẫn vào thăm trong trật tự.

Thành đoàn và Quân đội là hai lực lượng chính hỗ trợ gia đình Đại tướng hướng dẫn trong công tác tổ chức cho người dân.

img
Người dân bần thần, lặng lẽ rơi lệ tiếc thương trước cổng nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trước đó, vào tối 5.10, hàng trăm người dân đã tập trung trước nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) rưng rưng xúc động trước sự ra đi của Đại tướng và với lòng thành kính mong muốn được vào thắp nén hương.

Và trong tối thứ bảy đó, dù đã qua 9 giờ đêm nhưng vẫn có rất nhiều người dân đi qua phố Hoàng Diệu, đến trước địa chỉ số nhà 30 đều dừng lại. Có người đứng, có người ngồi, người nép mình vào tường lặng lẽ, người khóc nức nở, người lại nghẹn ngào nước mắt tuôn rơi nhưng tất cả đều hướng mắt về phía nhà Đại tướng.

Những người có mặt tại đây đều không thể kiềm được niềm xúc động trào dâng trong lòng. Họ thành kính đứng tưởng nhớ Vị tướng huyền thoại của dân tộc. Với nhiều người, sự ra đi của Tướng Giáp là một mất mát to lớn. Tất cả đều đứng đó, lặng người, từng dòng nước mắt rơi trong tiếc thương vô vàn.

img

Bác Trần Văn Cảnh, một người dân sống gần đó cho biết: "Từ tối qua, sau khi nghe tin Tướng Giáp từ trần, nhiều người đã tập trung về đây, tưởng nhớ vị tướng tài ba của dân tộc. Không ai bảo ai, tất cả đều lặng lẽ, nghẹn ngào đứng trước nhà ông. Tôi cũng giống như bao người khác, muốn được đến đây, được gần ông hơn, mong ông được an nghỉ bình yên".

Cạnh đó, bạn Lương Thị Phương - sinh viên trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, nghẹn ngào: "Mặc dù chưa một lần được gặp Đại tướng, hình ảnh về ông tôi cũng chỉ biết qua truyền hình và các cuốn sách nhưng từ lâu, Đại tướng là thần tượng của bản thân tôi. Đại tướng mãi là tấm gương lớn về sự cống hiến, để giới trẻ chúng tôi phấn đấu, noi theo".

Tựa người vào bức tường đối diện cổng nhà Đại tướng,
một bác xe ôm cũng đã nhiều tuổi lạng lẽ châm điếu thuốc và kéo những hơi dài. Hút hết điếu thuốc, người đàn ông khẽ đưa tay lau khóe mắt, thốt lên: “Đau xót lắm, Đại tướng đi rồi!”, rồi lại lặng lẽ quay trở ra xe, trước khi đi vẫn không quên ngoái lại...