Dân Việt

Khắc họa người nông dân trong chiều dài lịch sử

Thanh Hà 12/10/2013 16:31 GMT+7
Những hình ảnh bình yên của làng quê, những nụ cười hạnh phúc của ngày mùa, những ca khúc ca ngợi vẻ đẹp người nông dân... sẽ được khắc họa trong chương trình nghệ thuật sử thi “Tự hào nông dân Việt Nam”, diễn ra ngày 15.10, tại Hà Nội.
img

Tổng Đạo diễn chương trình Trường Bắc chia sẻ với NTNN.

Thưa đạo diễn Trường Bắc, được biết thời lượng dành cho chương trình giao lưu nghệ thuật trong lễ tôn vinh trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013” rất ít. Vậy anh sẽ phải làm sao để khắc họa được hình ảnh người nông dân trong suốt chiều dài lịch sử?

- Đúng là với thời lượng 35 phút, một thời gian hơi bị bó hẹp, không có đủ khả năng nói hết về người nông dân Việt Nam. Trong 35 phút đó, chúng tôi đã dùng nghệ thuật sử thi bằng âm nhạc, múa, lời bình, các ca khúc, hình ảnh để làm sao chắt lọc, truyền tải những tinh túy nhất của người nông dân Việt Nam gắn bó với vận mệnh lịch sử Việt Nam.

Nghệ thuật sử thi “Tự hào nông dân Việt Nam” được chia ra làm 3 chương, chương I - “Hạt thóc vàng”, phần khai vị với những cảnh người nông dân trên cánh đồng, họ vui với ngày được mùa, những gặt hái, trên nền nhạc bài hát “Mẹ dạy con”. Những giai điệu, ca từ rất thiêng liêng như người mẹ dạy con rằng có được hạt thóc, hạt gạo phải biết nhớ ơn những người trồng lúa, biết tôn trọng những người lao động. Rồi những ngày đen tối của nước Việt Nam nói chung và của những người nông dân nói riêng, cuộc sống của người nông dân với những lầm than khổ cực của những bác nông phu đồn điền, của người nông dân khai thác mỏ than…

Chương II - “Niềm tin theo Đảng”, những ngày vận mệnh lịch sử của người nông dân từ khi có Đảng như thế nào, cuộc sống cũng như suy nghĩ thay đổi ra sao. Bên cạnh đó rất nhiều ca khúc với khí thế hừng hực chiến đấu là những ca khúc ngợi ca người nông dân trên cánh đồng cũng như trên chiến trận như: “Đường cày đảm đang”, “Lên ngàn”, “Quyết giữ quê hương”…

Chương III với tên gọi “Trên đường mới”, trên những chặng đường lịch sử đầy gian khổ và vinh quang của đất nước, người nông dân luôn gắn bó chặt chẽ đời sống của mình với vận mệnh dân tộc, vững bước trên con đường đẩy mạnh CNH- HĐH nông nghiệp và nông thôn, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước...

Được biết trong kịch bản, ngoài những ca khúc ca ngợi vẻ đẹp của người nông dân, những hình ảnh đấu tranh đầy anh hùng của họ, còn đan xen những giai điệu âm nhạc dân tộc như xẩm, chèo, cải lương. Anh có sợ bị loãng và khiến chương trình không có điểm nhấn?

Chương trình nghệ thuật sử thi “Tự hào nông dân Việt Nam” trong chương trình Tôn vinh trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013” diễn ra từ 9 giờ đến 10 giờ 30 sáng 15.10.2013 tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.


- Ồ không, âm nhạc dân gian thường gắn kết với người nông dân, như chính bản thân tôi cũng là một người nông dân “xịn”. Ngày xưa tôi được đánh giá là người gánh lúa khỏe nhất làng, sáng nào tôi cũng được đánh thức bằng tiếng loa ngoài ngõ với “Đây là Tiếng nói Việt Nam...”. Rồi đến trưa, cứ khi nào nghe, “Bây giờ là 30 phút dân ca và nhạc cổ truyền...”, tức là đã đến giờ nghỉ trưa và hầu như tất cả những người nông dân đều dừng tay và lên ngồi nghỉ dưới cây đa, hoặc mái đình để giở cơm nắm ra ăn và ngồi nghe 30 phút dân ca đó. Vì thế, có thể nói âm nhạc dân gian gắn rất chặt đến đời sống tinh thần của người nông dân.

Vậy đâu sẽ là điểm nhấn của chương trình?


- Thực ra tất cả chương trình nghệ thuật sử thi đều đã là điểm nhấn rồi, bởi, âm nhạc, múa, các ca khúc và những hình ảnh sẽ đan xen vào nhau, cùng tạo nên một câu chuyện ca ngợi vẻ đẹp của người nông dân bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Khán giả sẽ được thưởng thức sự đan xen hòa quyện từ “Hạt thóc vàng”, “Lầm than”, đến sự hào hùng “Lửa thiêng dân tộc”, “19 tháng 8”, “Lên ngàn” và sự ngọt ngào da diết của “Đường cày đảm đang”, “Vàm Cỏ Đông”, sự trữ tình mang âm hưởng dân gian “Chuyện xưa”… trên nền của những hình ảnh, những thước phim quý giá từ những ngày thanh bình của làng quê với cây đa, giếng nước, sân đình, đường đê, từ bạt ngàn màu xanh của lúa đến bạt ngàn một màu vàng của bông lúa trải dài như bất tận. Hay những ngày tưng bừng của người nông dân đi cấy lúa đến ngày hội cùng nhau gặt lúa đến những hình ảnh đau thương của nạn đói năm 1945 và những hồi ức đau khổ, ngày khói lửa của những năm tháng bị ách đô hộ thực dân Pháp…

Cũng phải nói thật, chương trình nghệ thuật sử thi là một chương trình hào hùng và hoành tráng với hơn 100 nghệ sĩ tham gia, trong đó tổng đạo diễn là tôi và nhạc sĩ Quang Vinh cùng 5 biên đạo múa nổi tiếng như NSND Kim Chung, NSƯT Ngọc Bích, Ly Ly, Thanh Nam, Quỳnh Dương. Và nhạc sĩ tham gia cùng các ca sĩ hàng đầu như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh, NSƯT Thúy Đạt, NSƯT Thu Trang, Nhóm Phương Bắc…và 5 đoàn nghệ thuật.

Xin cảm ơn anh!


Ca sĩ Trọng Tấn:Người nông dân là gốc rễ của dân tộc

Đối với tôi, được hát trong chương trình tôn vinh nông dân là một niềm vui. Bởi họ là những con người bình dị, chất phác nhưng vô cùng đáng trân trọng. Người nông dân như gốc rễ của dân tộc, đóng góp của họ cho đất nước là vô cùng to lớn và quan trọng. Tôi rất vui được ca ngợi về họ và sẽ còn mãi ngợi ca những con người gốc rễ của đất nước này”.

Ca sĩ Anh Thơ: Vinh dự khi được tham gia chương trình
Là người con được sinh ra từ nông thôn, khi được mời tham gia chương trình trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013” tôi rất vinh dự và thấy rằng mình cần cố gắng hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa khi hát “Đường cày đảm đang”. Đây không phải là lần đầu tiên tôi tham gia một chương trình hoành tráng thế này nhưng tôi vẫn cảm thấy rất tự hào, rung động khi được hát lên những cảm xúc của mình trong lễ tôn vinh những người anh hùng trên “đường cày đảm đang”.

Biên đạo múa Quỳnh Dương:Thể hiện tấm lòng với ông bà
Tôi rất vui và vinh dự được tham gia một phần trong chương trình lễ "Tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc 2013", bởi mỗi người Việt Nam đều có gốc gác từ ND. Ông bà tôi là ND cần cù, một nắng hai sương trên những cánh đồng. Đây là dịp để tôi thể hiện tấm lòng của mình đối với ông bà tôi, với những người thân và những người nông dân Việt Nam.
Huy Hoàng (ghi)