Dân Việt

Quốc hội thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Long Nguyên 28/11/2013 10:21 GMT+7
Sáng 28.11, với 97,59% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau khi biểu quyết, các đại biểu Quốc hội đã chào mừng bản hiến pháp mới của dân tộc.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết:

Thực hiện Chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 18.11.2013, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu và sửa trực tiếp vào Dự thảo và thể hiện ý kiến về những nội dung trong Phiếu xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đến nay, Đoàn thư ký kỳ họp đã nhận được 408 Phiếu xin ý kiến và đã có nhiều vị đại biểu Quốc hội gửi bản góp ý cụ thể vào nội dung Dự thảo.

imgĐại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới (Ảnh: VPQH/Dân trí)
Các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với bố cục của Dự thảo Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) và cho rằng, bố cục của Hiến pháp như vậy là hợp lý, chặt chẽ và khoa học, nội dung và kỹ thuật trình bày bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.

Về Lời nói đầu, đa số ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội tán thành với Lời nói đầu của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung một số mốc sự kiện lịch sử. Ý kiến khác lại đề nghị viết gọn hơn, khái quát hơn.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy: Lời nói đầu của Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở chắt lọc, lựa chọn ý tứ, từ ngữ để nêu bật được một cách ngắn gọn tinh thần, nội dung của Hiến pháp. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội, Lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã được hoàn thiện phản ánh được lịch sử hào hùng của dân tộc và những mốc lịch sử quan trọng, những thành quả cách mạng đã đạt được. Lời nói đầu của Hiến pháp đã thể hiện ý chí, quyết tâm của nhân dân ta, thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

>> Toàn văn Hiến pháp sửa đổi <<

Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, có ý kiến đề nghị xác định rõ trường hợp nào việc thực hiện quyền theo quy định của luật, trường hợp nào theo quy định của pháp luật để tránh sự lạm dụng, vi phạm quyền công dân của các cơ quan công quyền; bảo đảm nguyên tắc quyền do Hiến pháp và luật quy định.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp báo cáo Quốc hội về vấn đề này như sau: Về nguyên tắc, quyền con người, quyền cơ bản của công dân khi đã được quy định trong Hiến pháp thì phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành. Tuy nhiên, để thực hiện một số quyền có hiệu quả, thì pháp luật còn phải quy định về trình tự, thủ tục để ngăn ngừa sự lạm quyền từ phía các cơ quan nhà nước và tạo thuận lợi cho công dân. Vì thế, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã rà soát kỹ các quy định này trong Dự thảo để thể hiện nhất quán và chặt chẽ hơn

Về thu hồi đất (Điều 54), đa số ý kiến đồng ý với quy định tại Điều 54 của Dự thảo. Đồng thời, có ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn yêu cầu Nhà nước chỉ thu hồi đất cho việc phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng, trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Hiến pháp cần quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Do đó, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội nhưng thể hiện lại cho gắn kết với mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng như đã thể hiện tại khoản 3 Điều 54 của Dự thảo.