Dân Việt

Bộ Quốc phòng: Nộp tiền thay nghĩa vụ quân sự là bất công

Đất Việt 29/11/2013 06:35 GMT+7
"Quan điểm có thể đóng tiền thay cho việc tham gia nghĩa vụ quân sự chỉ là ý kiến của một số ít vị đại biểu Quốc hội. Bộ Quốc phòng không bao giờ nghĩ tới điều này”.
Thượng tướng Lê Hữu Đức, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thành viên Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, Ủy viên Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương đã chia sẻ với PV trước một số ý kiến của đại biểu về việc đóng tiền thay việc tham gia nghĩa vụ quân sự.

Mấy ngày nay, dư luận đặc biệt quan tâm tới phương án cho phép thanh niên được đóng tiền thay vì đi nghĩa vụ quân sự. Thượng tướng có thể nói rõ hơn cơ sở của việc cho phép đóng tiền thế thân nghĩa vụ quân sự này?

- Trong đợt sửa đổi Hiến pháp vừa qua có ý kiến đại biểu đề xuất ý kiến có thể thay thế nghĩa vụ khác thay vì tham gia nghĩa vụ quân sự.

Thượng tướng Lê Hữu Đức thăm hỏi, động viên chiến sĩ đồn biên phòng Bù Đốp (Bình Phước)
Thượng tướng Lê Hữu Đức thăm hỏi, động viên chiến sĩ đồn biên phòng Bù Đốp (Bình Phước)

Hiện Bộ Quốc phòng đang trong quá trình sửa đổi lại Luật Nghĩa vụ quân sự. Có thể hiểu thay đi nghĩa vụ quân sự bằng nghĩa vụ thay thế có thể là đi công an, làm nhiệm vụ đặc biệt vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo, hay nộp tiền…

Trước nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng là của toàn dân, không phân biệt giàu hay nghèo càng không thể quy thành tiền...., quan điểm của ông ra sao?

- Bộ Quốc phòng không đồng tình quan điểm có thể nộp tiền thay vì đi nghĩa vụ quân sự.

Lý do là vì đi nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân, vừa là nghĩa vụ nhưng đồng thời cũng là vinh dự cho nên việc đại biểu nói có thể nộp tiền thì có thể khẳng định một lần nữa là Bộ Quốc phòng không đồng ý quan điểm này.

Trong Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi tới đây Bộ Quốc phòng cũng không bao giờ đưa quan điểm này vào Luật.

Nhưng có ý kiến lại cho rằng hiện chúng ta chưa đủ điều kiện để huy động hết lực lượng thanh niên trong lứa tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự. Ví dụ trong 1 vạn người thì chỉ huy động được 1.000 người, còn 9.000 thanh niên kia nếu không nộp tiền thì như là không có nghĩa vụ với Tổ quốc. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Quân đội ta khác với quân đội các nước là do Đảng và bác Hồ sáng lập, có truyền thống rất vẻ vang. Người lính ra trận để bảo vệ Tổ quốc có thể hy sinh cả xương máu.

Thực tế này đã minh chứng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã có biết bao nhiêu đồng chí hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.

Nếu bây giờ nộp tiền mà nói là để thay việc đi nghĩa vụ quân sự thì sẽ gây ra sự bất công. Người giàu có có thể nộp tiền, còn người dân, người lao động bình thường không có tiền để nộp thì dễ dẫn đến ý nghĩ chỉ có người nghèo đi bộ đội.

Nói như thế còn có thể động chạm đến lòng tự tôn dân tộc, vi phạm vào truyền thống của quân đội.

Ðiều 77 của Hiến pháp Việt Nam quy định rõ: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân. Căn cứ vào điều này thì phương án đóng tiền thay vì đi nghĩa vụ quân sự có bị coi vi hiến không, tại sao, thưa Thứ trưởng?

Đấy mới chỉ là ý kiến của một số ít vị đại biểu Quốc hội thôi. Còn khi đưa ra chính thức thì tôi tin là Quốc hội và người dân sẽ không đồng tình. Đặc biệt là Bộ Quốc phòng không bao giờ nghĩ tới điều này.

Hiến pháp vừa được thông qua với tỉ lệ phiếu đồng thuận rất cao. Hiến pháp là đạo luật gốc cho nên mọi quy định đều phải dựa vào đạo luật này.

Cho nên tôi xin khẳng định lại trong Luật Nghĩa vụ quân sự sẽ không bao giờ có điểm quy định như vậy nên không nên bàn đến vấn đề này nữa.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!