Dân Việt

Hà Nội thiệt hại nặng sau trận mưa lớn

Vân Quỳnh - Hải Hà 10/08/2013 09:56 GMT+7
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, trong suốt 2 ngày qua tại Hà Nội và khắp các tỉnh Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn. Ước tính, có ít nhất 22.000ha lúa, hoa màu bị ngập cùng hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại.
Đặc biệt, tại nhiều vùng ngoại thành Hà Nội đã xảy ra ngập úng nặng, thậm chí nước quá lớn đã tràn lên mặt đê sông Nhuệ.

Lũ các sông lên nhanh

Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) T.Ư, tính đến ngày 9.8, mưa lũ đã làm đổ, ngập, hư hại 1.037 ngôi nhà thuộc các tỉnh Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Lào Cai, Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, hơn 12.000ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại, trong đó thiệt hại nặng nhất là 2 tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Hà Tĩnh ngập hơn 5.000ha, Thanh Hóa hơn 6.000ha.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trong 18 giờ qua, từ 19 giờ ngày 8.8 đến 13 giờ ngày 9.8, các tỉnh miền Bắc chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với vùng áp thấp suy yếu từ bão số 6 kết hợp với đới gió đông nam, mưa vừa, mưa to đến rất to đã xảy ra trên lưu vực sông Đáy, Bôi, Hoàng Long và hệ thống sông Thái Bình. Cụ thể, tổng lượng mưa đo được tại một số điểm là: Kim Bôi 115mm, Hưng Thi 104mm; Chã 135mm; Phúc Lộc Phương 156mm, Tam Đảo 115mm; Bắc Giang 68mm; Điếm Mạc 110mm; Phổ Yên 91mm…

Một khu phố ở Hà Nội bị ngập sâu trong nước.
Một khu phố ở Hà Nội bị ngập sâu trong nước.

Do mưa lớn, nên dự báo lũ tại các sông sẽ tiếp tục lên nhanh, nhiều nơi sẽ đạt đến mức báo động 3. Cụ thể, lũ trên sông Đáy, Hoàng Long và hệ thống sông Thái Bình tiếp tục lên nhanh. Trong đó, trên sông Đáy tại Phủ Lý, đến sáng 10.8 có khả năng lên mức 4,00m (dưới báo động 3 là 0,10m) và còn tiếp tục lên mức báo động 3 là 4,10m vào sáng ngày 11.8. Lũ trên các sông Cầu, sông Thương, sông Thao, sông Lục Nam cũng tiếp tục lên. Riêng lũ trên sông Thái Bình tại Phả Lại, đến sáng 10.8 sẽ lên mức 4,45m (trên mức báo động 1 là 0,45m) và còn tiếp tục lên.

Sông Nhuệ bị tràn, vỡ tại 5 điểm

Đặc biệt, trong ngày 9.8 đã xảy ra sự cố đầu tiên đối với hệ thống đê trên sông Nhuệ tại Hà Nội. Trong đợt mưa vừa qua, rạng sáng ngày 9.8, nhiều đoạn, tuyến trên hệ thống sông Nhuệ đã bị tràn, vỡ nhỏ tại 5 điểm. Như điểm trên kênh liên tỉnh cống đồng Tép (Tây Mỗ), vỡ khu vực cầu Ngà 60m, tràn toàn bộ tuyến đê từ cầu Sắt tới cầu Ngà (Tây Mỗ) 500m, tràn và vỡ lở nhỏ trên sông Pheo (Tây Tựu). Để khắc phục sự cố, Ban chỉ huy PCLB huyện Từ Liêm đã phải huy động lực lượng bộ đội, công an, dân quân địa phương cùng bà con tham gia đắp đê, ứng phó sự cố.

Theo ghi nhận, tại khu vực cầu Ngà vào sáng qua (9.8) cho thấy, nước sông Nhuệ ở mức cao. Trong khi đó, năng lực tiêu thoát lại kém, nên toàn bộ dải đê khu vực cầu Ngà đã bị tràn, lở khoảng 60m. Lực lượng bộ đội, dân quân địa phường cùng nhân dân phải huy động cọc tre, rọ thép, tải cát để gia cố. Đê Cầu Ngà trên đường 70 đến khoảng trưa cùng ngày đã không chịu nổi sức nước, bục vỡ. Theo ông Lê Văn Thư- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, từ chiều ngày 9.8, trên hệ thống sông Nhuệ đoạn qua địa bàn huyện đã xuất hiện một số điểm tràn, lở. Huyện đã huy động lực lượng dân quân cùng bà con hộ đê. Tuy nhiên, đến rạng sáng ngày 9.8, nước sông Nhuệ tiếp tục dâng cao, tràn nhiều đoạn, vỡ lở một đoạn dài chừng 60m.

Để giảm áp lực cho sông Nhuệ, 13 giờ 30 chiều qua, Ban Chỉ huy PCLB TP.Hà Nội đã quyết định mở đập Thanh Liệt, đưa nước vào sông Tô Lịch rồi bơm qua trạm bơm Yên Sở ra sông Hồng. Ông Đỗ Đức Thịnh-Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCLB Hà Nội cho hay, chỉ mở 20% đập Thanh Liệt. Hơn nữa, lượng nước đưa từ sông Nhuệ vào sông Tô Lịch đều được tính toán và điều tiết, vì vậy, không có khả năng gây ngập cho vùng nội thành. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là, nếu mưa lớn tiếp diễn, khả năng tiêu nước của sông Nhuệ sẽ gặp khó khăn.

Một thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB Hà Nội cũng cho biết, đến chiều qua 9.8, hầu khắp các huyện trên địa bàn ngoại thành Hà Nội vẫn ngập nước. Thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho thấy, hiện có 9.798ha bị ngập sâu, trong đó: Hà Đông 199ha, Sơn Tây 100ha, Hoài Đức 647 ha, Quốc Oai 195ha, Chương Mỹ 1.029ha, Thanh Oai 1.622ha, Thường Tín 470ha, Phú Xuyên 1.565ha, Ứng Hòa 2.390ha, Mỹ Đức 342ha, Đông Anh 110ha, Gia Lâm 165ha…