Hỏi thì được chị tâm sự: “Tôi muốn dành hết công sức, tâm huyết cho thế hệ khán giả tương lai để chúng biết yêu và trân trọng nghệ thuật truyền thống”.
Chị được khán giả nhí đặc biệt yêu mến và hâm mộ qua các vai diễn trong vở chèo “Quả táo thần”, “Ăn khế trả vàng” và “Khắc nhập khắc xuất”… trong khi trước đó, Minh Vượng được yêu mến nhờ diễn hài. Lý do nào chị lại lơi dần những vai diễn mang đậm tính cách của mình?
Nghệ sĩ ưu tú Minh Vượng được các khán giả nhí dành tình cảm đặc biệt.
- 17 năm nay tôi vẫn âm thầm dành thời gian trong những ngày tết thiếu nhi, rằm trung thu để hợp tác với Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn những vở diễn chèo cho thiếu nhi. Và 2 năm nay, sau khi tôi nghỉ hưu ở Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi đã dành toàn bộ thời gian cho dự án Sân khấu học đường của Nhà hát Chèo Hà Nội bởi thấy rằng, dự án do NSƯT Thúy Mùi đưa ra đã hoàn toàn đi đúng hướng, tạo nguồn được khán giả trẻ, khán giả nhí đến với nghệ thuật truyền thống. Tức là thông qua các tiết mục chèo ngắn gọn trong thời gian 1 tiếng, các em sẽ phân biệt được phải trái, cái thiện, cái ác, và như thế bài học về đạo đức dễ học, đơn giản lại dễ tiếp thu.
Đặc biệt tôi thấy mừng nghệ thuật chèo đã có những khán giả trẻ đến như thế. Có những ngày tôi và cả ê kíp đã phải diễn tới 6 show với 8 tiết mục. Nhưng cứ diễn xong một cái là bố mẹ cũng như nhiều em nhỏ lại đòi xem vở mới tiếp, cứ lũ lượt khán giả nhí đến xem và chịu xem như thế là tôi lại thấy mừng, thấy vui và diễn, tập không cảm thấy mệt mỏi nữa.
Diễn hài thì khán giả cười nghiêng ngả, diễn cho trẻ em có vui như thế không, thưa chị?- Vui chứ. Trẻ con xem không giống như người lớn ngồi xem, sân khấu lúc đó giống như một trận bóng đá vậy, chúng hỏi đáp, trả lời rất vui nhộn, chúng như đồng diễn với các nghệ sĩ. Các em hồn nhiên vô tư, và trong sáng vô cùng, đôi khi là những phát ngôn rất dễ thương và vô cùng đáng yêu. Có những lúc tôi diễn xong, ở dưới các em nhỏ đồng thanh nói: “Chị Minh Vượng ơi, chị diễn gì mà ác thế!”, hoặc “bạn ơi, bạn diễn vai diễn này tôi yêu bạn quá!”, trong khi mình đã hơn 60 tuổi đầu rồi (cười).
Từng ấy thời gian chung tình với nghệ thuật từ sân khấu đến phim truyền hình, sân khấu hài, chị thấy tình yêu nghệ thuật trong mình có giảm đi chút nào, đặc biệt trong thời buổi sân khấu nhiều khó khăn như hiện nay?
- Tôi nghĩ rằng, sân khấu cũng có lúc thăng, lúc tiến, lúc khó khăn, nhưng điều quan trọng người diễn viên ấy yêu vai diễn của mình, phục vụ khán giả hết mực và tôn trọng khán giả. Bởi nhiều người cứ nói sân khấu có nhiều khó khăn, nhưng khi người nghệ sĩ đứng trên sân khấu, ngoài mang đến cho khán giả thẩm mỹ, giáo dục thì cần phải mang cả tính giải trí nữa. Tuy nhiên khi đưa giải trí đó đến với khán giả, cần phải có sự lựa chọn, sàng lọc, chứ không nên cái gì cũng đưa lên sân khấu khiến những kiểu giải trí rẻ tiền, nhạt nhẽo để rồi đánh mất cảm xúc của khán giả và tự đánh mất mình. Còn với bất cứ người nghệ sĩ nào, nếu yêu nghề, nồng nàn với nghề, diễn cháy hết mình như một ngọn nến, thì người nghệ sĩ đó vẫn luôn luôn có khán giả.
Chị đánh giá hiện nay bao nhiêu phần trăm giới trẻ yêu và thích nghệ thuật truyền thống?- Hiện tại tôi đang là giáo viên tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, khoa Điện ảnh, kịch và múa. Tôi thấy so với tầng lớp thế hệ vàng như NSND Nguyệt Ánh, NSND Thế Anh, NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, nghệ sĩ Chánh Tín… thì hiện tại bây giờ diễn viên tài năng cực hiếm. Bởi thế hệ các anh, các chị đó, hay như thế hệ chúng tôi khi tuyển sinh đều tuyển theo đúng năng khiếu mới được vào học. Còn giờ đây tuyển sinh vào cho đủ người và các em thì cứ việc nộp tiền và học. Vì vậy năng khiếu với những thế hệ sau này là rất hiếm, bản thân tôi đứng trên bục giảng, giảng dạy với một lớp hơn 30 sinh viên, nhưng để nói đúng nghĩa, với những sinh viên có tài năng thực sự thì đếm ra không quá đầu ngón tay.
"Tôi như con tằm rút ruột nhả tơ nên từ đây tôi nguyện sẽ dành tâm huyết, công sức để các thế hệ trẻ, các khán giả nhí được hiểu biết hơn về nghệ thuật truyền thống”. NSƯT Minh Vượng
|
Đây là một thực trạng rất buồn và cũng là một sự khó khăn cho nghệ thuật nước nhà. Bởi tôi cũng là người đã bước ra từ trường sân khấu, được nuôi dưỡng từ đó và giờ đây sau rất nhiều năm lăn lộn với nghề, được học hỏi từ những người thầy giỏi, từ những người làm nghề giỏi, tích lũy được chút ít kinh nghiệm và muốn truyền dạy cho các em, thế hệ sau. Mặc dù biết là rất vất vả, 1 tiếng giảng dạy chưa được trả nổi 40.000 đồng, mà suốt từ 13 - 17 giờ?cứ xa xả nói không tiếc công, không tiếc sức, chỉ mong các em nối tiếp được chúng tôi.
Như chị chia sẻ, ơn giời chị được “tổ đãi” trong nghề nghiệp, nhưng có vẻ như trong cuộc sống của chị không được tròn trịa…
- Cười, tôi nghĩ được cái này thì mất cái kia. Tôi được tổ đãi về nghề thì hôn nhân của tôi lại không được như ý. Tuy nhiên, như trước kia tôi đã từng chia sẻ, ngay từ hồi trẻ tôi đã bị bệnh khớp nặng, nên tôi đã nói không với hôn nhân. Và cũng vì nói không với hôn nhân, nên tôi đã có lợi thế hơn những bạn đồng nghiệp khác là mình toàn tâm, toàn ý cho nghệ thuật. Và một khía cạnh nào đó, thì tôi thấy không gì hạnh phúc hơn khi trong một tuần, một tháng, một năm, tôi đã hóa thân vào bao nhiêu số phận, bao nhiêu con người khác nhau trong xã hội và mỗi con người, số phận đó, tôi đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Tôi cũng tự dặn lòng mình ông trời không cho ai cái gì tuyệt đối, vì vậy những lúc đó tôi lại thấy ấm lòng bởi những vai diễn, những số phận đã cho mình có được tình yêu thương của khán giả.
Xin cảm ơn chị!