Dân Việt

Cô gái "hóa" bà lão 50 hàng ngày phải ngửa tay xin tiền chữa bệnh

Đông Du (Dòng Đời) 20/11/2013 14:28 GMT+7
"Em muốn làm một điều gì đó để đỡ đần cho bố mẹ. Với thân hình và sức lực như em, suốt ngày đau ốm ngoài việc đi xin tiền ra thì không còn biết làm việc gì cả".
Từ một cô gái khỏe mạnh bình thường, đến năm 13 tuổi, bệnh tật lần lượt kéo đến. Suốt 14 năm chống chọi với bệnh tật, từ một cô gái trẻ nặng 43kg, giờ đây cô chỉ còn lại vỏn vẹn chưa đầy 24kg.

Chỉ mới 27 tuổi mà cô tiều tụy trông như một bà già 60. Một điều đặc biệt nữa là mỗi ngày cô ăn rất nhiều, gấp 10 lần người bình thường nhưng mỗi lần ăn xong chỉ vài phút sau cô lại nôn ra tất cả khi chưa kịp tiêu hóa.

Chúng tôi tìm đến nhà Nguyễn Thị Như Ý (SN 1987, trú tại thôn Na Kham, Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam). Tại đây, khi hỏi thăm thì được một người trong thôn hỏi lại: “Chú tìm nhà con bé Ý làng tôi phải không? Nhà nó ở ngay sát đường này thôi, chạy một đoạn nữa rồi hỏi là họ sẽ chỉ cho. Con bé đó tội nghiệp lắm, còn trẻ mà đã phải chịu cảnh bất hạnh này rồi”.

Ngôi nhà của Ý nằm ngay sát con đường làng lởm chởm đá. Lúc chúng tôi đến, Ý không có nhà. Chị Trần Thị Kim Liên (chị dâu của Ý) cho biết: “Nó vừa đi ra chợ lúc nãy đấy. Bình thường cứ khoảng 3 giờ chiều thì con bé lại ra chợ ăn uống đến mãi tận 5-6 giờ mới trở về nhà. Giờ cậu chạy ra chợ Bảo An cách đây khoảng 2km vào trong quán bánh xèo là sẽ thấy nó đang ngồi ăn bánh ở đấy”.

Từ một người bình thường khỏe mạnh giờ cô chỉ còn lại chưa đầy 24kg
Từ một người bình thường khỏe mạnh giờ cô chỉ còn lại chưa đầy 24kg

14 năm chưa ăn được một bữa ngon miệng

Theo chỉ dẫn của chị Liên, chúng tôi tìm đến chợ Bảo An, hỏi thăm cô gái có “khả năng ăn nhiều” hầu như trong ngôi chợ này ai cũng biết. Có người còn nhiệt tình đưa chúng tôi tới tận quán bánh mà mỗi lần ra chợ Ý luôn ghé. Trong quán bánh nhỏ nằm trong chợ, chúng tôi nhìn thấy một cô gái đang chăm chú cuốn bánh và ăn liên tục không ngừng. Vừa chào hỏi được vài câu, Ý xin phép ra ngoài. Bà Nguyễn Thị Lành (chủ quán bánh) lắc đầu nói: “Đấy, nó lại đi ra ngoài để nôn tiếp rồi đó cậu à. Chiều nào nó cũng vào quán bánh của tôi ăn hết 40 cái bánh rồi mới về. Nó ăn khỏe lắm, loại bánh này nhiều mỡ, tôi ăn khoảng 3-4 cái là thấy ngán rồi. Nhưng ăn vào bao nhiêu thì nó lại cho ra bấy nhiêu. Tôi thấy mà khổ thay cho nó”.

Nguyễn Thị Như Ý sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh chị em. Từ lúc lọt lòng đến năm 13 tuổi, cơ thể cô phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Trong gia đình cô luôn là niềm tự hào của bố mẹ bởi thành tích học tập rất cao. Ý tự hào khoe với chúng tôi những tấm giấy khen mà cô còn để ở nhà như một kỷ niệm đáng nhớ về một thời học sinh. Đến năm 13 tuổi, bên dưới lưỡi Ý mọc lên một khối u nhỏ, bác sĩ cho biết trường hợp của cô phải mổ thì mới trị dứt điểm được.

Sau lần mổ đó, cuộc sống của cô bắt đầu có sự xáo trộn. Trong một lần lên cơn đau dữ dội, bụng Ý phình to, ăn bất cứ thứ gì đều không thể tiêu hóa được. Hoảng hốt, gia đình đưa cô đến Bệnh viện Đa khoa Điện Bàn để khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán rằng cô bị loét dạ dày cộng thêm xuất huyết đường ruột. Sau khi cho thuốc về nhà uống, tưởng như uống xong thì bệnh sẽ hết nhưng càng uống thuốc vào thì Ý càng đau dữ dội hơn, cùng với đó là cơ thể cô luôn trong trạng tái tức ngực và buồn nôn.

Một thời gian sau, trong người cô luôn cảm thấy đau ê ẩm. Bệnh tình không những không giảm đi mà còn phát sinh thêm. Những cơn đau cứ liên tiếp giày vò cơ thể cô. Sức khỏe Ý ngày một yếu dần đi trông thấy. Trên khuôn mặt cô lúc này bắt đầu có những dấu hiệu da nhăn nheo và lão hóa. Nhìn Ý bây giờ không khác gì một bà già 60 tuổi với hàm răng bắt đầu rụng dần. “Thời điểm đó, toàn thân em chỗ nào cũng đau nhức, hễ uống thuốc vào là lại nôn tháo, miệng liên tục ợ men chua. Vì quá đau nên mỗi ngày em chỉ ngủ được cao nhất là 2 - 3 tiếng đồng hồ rồi lại nằm trăn trở cả đêm” - Ý chia sẻ.

Đến năm học lớp 10, cơ thể cô ngày càng tiều tụy, không khác gì một bộ xương di động. Do mặc cảm với bạn bè, một phần do cơn đau hành hạ nên Ý đành bỏ học giữa chừng. Không lâu sau, Ý luôn trong tình trạng đói. Cô có thể ăn được liên tục cả ngày mà không thấy no. So với những người bình thường thì khẩu phần ăn của Ý gấp 10 lần. Ý rất thèm những món ăn có nhiều mỡ nhưng mỗi lần ăn xong được vài phút là cô lại nôn tháo tất cả ra ngoài khi chưa kịp tiêu hóa. Ý cho biết: “Tuy em ăn nhiều như thế nhưng hầu như cơ thể không hấp thụ được 1 chút gì. Ăn thứ gì là lại ói ra y nguyên như thế. Ngay cả việc uống nước cũng vậy. Nếu uống các loại nước có màu thì lúc đi tiểu cũng giống như màu nước vừa uống”.

Bất lực trước căn bệnh lạ

Trước những biểu hiện bất thường của Ý, gia đình cô cố gắng tìm cách chạy chữa. Ra Đà Nẵng rồi lại vào TP. HCM, hầu như ở hai nơi này không có bệnh viện nào mà Ý chưa tới. Nhưng tất cả đều không thể chẩn đoán được chính xác căn bệnh mà cô đang mắc phải. Hết Tây y rồi đến Đông y, tất cả phương thuốc đều tỏ ra vô tác dụng trước căn bệnh quái ác này. Bao nhiêu tài sản có giá trị trong nhà đều được đem bán để có tiền chạy chữa cho Ý. Nhưng dần rồi mọi thứ tiêu tan mà kết quả đâu chả thấy.

Gia đình cô cũng nhiều lần tìm đến các thầy lang ở nhiều nơi. Mỗi lần như thế cũng tốn ngót cả chục triệu đồng. “Gia đình tôi cũng đã làm hết sức mình, nghe ở đâu có thầy có khả năng chữa được bệnh lạ thì chúng tôi cũng tìm đến. Rồi cũng mua thuốc này thuốc nọ, cố gắng vay mượn khắp nơi nhưng bệnh tình cháu vẫn không hề thuyên giảm. Số tiền mà gia đình tôi vay để chạy chữa cho cháu đến nay cũng cả mấy trăm triệu rồi, không biết đến bao giờ mới trả được”- bà Lê Thị Tám (mẹ Ý) thở dài.

Ý cho biết, trong người cô bây giờ ngoài căn bệnh lạ này cô còn mắc nhiều chứng bệnh khác nữa: rối loạn nội tiết, nhi hóa sinh dục, thiếu kali máu, thoái hóa khớp… nên cuộc sống của cô luôn gắn liền với thuốc. Ngoài việc 3 tháng cô phải ra Đà Nẵng truyền máu một lần thì hằng tuần Ý đều phải lên Bệnh viện Đa khoa Điện Bàn để lấy thuốc về uống. “Nếu không truyền máu và uống thuốc thường xuyên, cơ thể em sẽ bị phù nề, chân tay co rút không thể đi đứng bình thường được” - Ý tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Đình Diểu ở Bệnh viện Đa khoa Điện Bàn (người trực tiếp điều trị cho Ý) cho biết: “Trong suốt thời gian làm bác sĩ, tôi chưa gặp một trường hợp nào lạ lùng như của Ý. Chúng tôi chỉ có thể phát hiện được những bệnh đơn giản trên cơ thể em như rối loạn nội tiết, tiêu hóa, viêm dạ dày mà thôi. Còn nguyên nhân về căn bệnh lạ mà Ý đang mắc phải thì không thể nào lý giải. Mỗi tuần, Ý đều đến gặp tôi để lấy thuốc về uống nhưng thuốc này chỉ có tác dụng ngăn ngừa men chua khi cháu ói thôi chứ để điều trị dứt điểm thì không thể”.

Để có tiền trang trải chi phí cho mỗt lần đi lấy thuốc và chữa trị, giờ đây những ngày không đến bệnh viện, Ý thường lân la khắp các chợ ở Hội An và Đà Nẵng để hành khất, mong sao có thể kiếm được chút tiền đỡ đần cho cha mẹ. Hình ảnh một “bà lão” thân hình ốm yếu, teo tóp ngày ngày ngửa tay xin tiền bố thí đã không còn lạ gì với những người dân trong chợ.

“Bố mẹ em cũng đã già rồi, gia đình lại chỉ dựa vào 2 sào ruộng để sinh sống nên em thấy thương bố mẹ lắm. Em muốn làm một điều gì đó để đỡ đần cho họ. Với thân hình và sức lực như em, suốt ngày đau ốm ngoài việc đi xin tiền ra thì không còn biết làm việc gì cả.

“Mỗi lần ra Đà Nẵng điều trị một thời gian dài, em cũng thường đến các hành lang bệnh viện mong sao kiếm được chút tiền. Người nào cho nhiều nhất cũng chỉ được 10, 20 ngàn còn không thỉ chỉ vài ngàn thế thôi” - Ý cho biết.

Niềm mong mỏi lớn nhất của Ý lúc này là y học sớm tìm ra căn bệnh quái ác của cô, có phương pháp chữa trị để cô có thể trở lại cuộc sống bình thường như bao người khác từ đó cô sẽ có thể giúp đỡ cha mẹ trang trải nợ nần.
Cùng thời gian phát hiện trường hợp của Nguyễn Thị Như Ý, Việt Nam từng ghi nhận hai trường hợp “cô gái mang gương mặt bà già” đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1984, trú khối phố Thanh Nam, phường Cẩm Châu, TP.Hội An, Quảng Nam) và chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1985, trú tại thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).