Dân Việt

Các tỉnh vùng Tây Bắc: Tiềm năng lớn từ dịch vụ môi trường rừng

Quỳnh Hương 13/09/2013 10:15 GMT+7
Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp vừa được Bộ NNPTNT phê duyệt với 3 mục tiêu cụ thể, trong đó mục tiêu hàng đầu là nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
Đề án cũng tạo điều kiện cho các địa phương vùng Tây Bắc được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách chi trả DVMTR. Theo Bộ NNPTNT, Tây Bắc là địa bàn có tiềm năng lớn về DVMTR, với lợi thế địa hình nên khu vực này tập trung 2/3 các cơ sở thủy điện của miền Bắc. Riêng 2 nhà máy thủy điện có công suất lớn là Hòa Bình và Sơn La đã có tiềm năng thu DVMTR bằng khoảng 32% nguồn thu dịch vụ này từ các nhà máy thủy điện của cả nước. Dự kiến đến năm 2017, khi Nhà máy Thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động với công suất 4.670,8 triệu kWh, thì nguồn thu của Tây Bắc sẽ khoảng 700 tỷ đồng/năm.

Người dân bản Hô Be (xã Phúc Khoa, Tân Uyên, Lai Châu) chăm sóc, bảo vệ rừng.
Người dân bản Hô Be (xã Phúc Khoa, Tân Uyên, Lai Châu) chăm sóc, bảo vệ rừng.

6 tỉnh vùng Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái) đều đã thành lập và đi vào vận hành đầy đủ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, đến nay đã từng bước thực hiện chi trả tiền DVMTR đến tận tay người dân. Tỉnh đi đầu trong các hoạt động này là Lai Châu. Đây cũng là địa phương có nguồn thu DVMTR cao nhất vùng Tây Bắc. Năm 2013, số tiền DVMTR của các tỉnh Tây Bắc đạt khoảng 388 tỷ đồng, trong đó điều phối từ Quỹ T.Ư là 361 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, các tỉnh Lai Châu, Sơn La và Yên Bái đều thực hiện giải ngân đạt tỷ lệ cao, dẫn đầu cả nước (Lai Châu 98,2%; Sơn La 96,7%; Yên Bái 84,1%).

Theo ông Phạm Hồng Lượng, đối với vấn đề chênh lệch về đơn giá chi trả bình quân trong lưu vực, cần có sự cân đối, điều phối, bổ sung kinh phí thông qua các chương trình, dự án và các nguồn kinh phí khác.


Ông Phạm Hồng Lượng - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, khi chính sách chi trả DVMTR được thực hiện đầy đủ với cả dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các bon của rừng, dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, thì giá trị của rừng mang lại cho các tỉnh Tây Bắc còn lớn hơn nhiều lần.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách tại các tỉnh Tây Bắc cũng còn nhiều khó khăn như việc kiện toàn hệ thống, tổ chức vận hành của các quỹ tỉnh diễn ra chậm, công tác xác định ranh giới, chủ rừng còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự chênh lệch lớn về đơn giá chi trả bình quân/ha giữa các lưu vực của các nhà máy thủy điện cũng là một khó khăn lớn, ví dụ như cùng trong tỉnh Yên Bái, tại lưu vực sông Đà là hơn 300.000 đồng/ha, nhưng đối với lưu vực sông Chảy chỉ có 28.000 đồng/ha.

Để giải quyết được những tồn tại trên, thúc đẩy thực hiện tốt chính sách, theo ông Lượng thì cần có sự quyết liệt của địa phương. Thực tế cho thấy rằng, ở đâu các cấp chính quyền, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tuyên truyền rộng rãi đến người dân thì ở đó chính sách được thực hiện rất tốt.