Đi qua cái sườn dốc bên kia cuộc đời rồi mà tai ương dường như vẫn còn bám riết lấy chị đến nỗi, có lúc chị đã thốt lên: “Tôi biết làm gì bây giờ?”. Chồng mất, con rể mất, con gái lại mang trong người căn bệnh hiểm nghèo, chị loay hoay mãi nhưng không sao tìm được cách vượt qua những khó khăn hiện tại. Chị là Nguyễn Thị Gái (42 tuổi, ngụ tại ấp Hòa Quới, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).
Chị Gái túc trực bên giường bệnh để chăm sóc Liên
Nỗi đau nhân ba
Sài Gòn ngày cuối tuần, nắng rát mặt. Chị bạn người Long An gọi điện, giọng nói gấp gáp: “Em ơi, có trường hợp này thương lắm. Hai mẹ con hiện đang ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cô con gái bị ung thư hạch ác tính giai đoạn cuối còn người mẹ thì hình như vì hoảng loạn quá nên cứ ngơ ngác. Chị đang tính qua thăm, em đi không?”. Tôi đi. Phòng bệnh có vẻ tĩnh lặng. Chị Gái ngồi bó gối bên mép giường. Trước mặt chị, cô con gái Nguyễn Thị Kim Liên đang thiu thiu ngủ. Thấy khách đến, chị Gái vội vã đứng dậy. Tôi hỏi bệnh tình của Liên, bỗng nước mắt chị chảy dài trên gò má.
Chị không nói được gì nhiều mà chỉ nhìn con trân trối. Chúng tôi ngồi với mẹ con chị cả buổi. Vài anh, chị đang điều trị cùng phòng với Liên cho biết: “Từ hôm lên đây tới giờ, thấy chị ấy cứ đi qua đi lại và khóc. Liên không nói được, chỉ ú ớ trong miệng thôi. Em ấy cũng không thấy đường, không co duỗi chân hay đi lại được. Thành ra, dù có đau đớn cỡ nào thì Liên cũng chỉ ú ớ. Chúng tôi là người dưng mà thấy vậy còn xót, nói chi chị Gái”. Bẵng đi vài hôm, tôi bàng hoàng nghe tin chị Gái đã đưa con về nhà vì không còn tiền lo viện phí, thuốc men. Với tình trạng hiện tại của Liên, về nhà thì chẳng khác nào dập tắt mọi hy vọng.
Loay hoay mãi trên những con đường bé tí chỉ cần sơ sẩy là có thể té xuống ruộng, cuối cùng, tôi cũng tìm được nhà chị Gái ở ấp Hòa Quới. Nhà yên ắng và có chút lạnh lẽo. Gọi cửa mấy lần mới thấy chị hớt hải chạy từ nhà dưới lên. Gương mặt của người mẹ nghèo vốn đã khắc khổ nay lại thêm phần hốc hác. Chị trấn tĩnh hơn so với lần đầu gặp tôi ở bệnh viện. Dù vậy, phải mất khá lâu, chị mới bắt đầu bộc bạch được nỗi lòng mình. Chị kể trong tiếng nấc: “Tôi mới đưa con bé lên bệnh viện mấy hôm, nay lại phải về thôi.
Trước đây, khi Liên phát bệnh lần đầu thì cả nhà không đào đâu ra tiền nên cứ lần lữa mãi. Cuối cùng, các chú bên xã hỗ trợ tiền để tôi đưa cháu đi khám. Lúc nghe bác sĩ nói Liên bị ung thư hạch ác tính, mặt mày tôi cứ xây xẩm, không nghĩ được gì. Điều trị được một thời gian, tôi đưa cháu về nhà. Đến nay, bệnh Liên đã nặng lắm rồi, con bé không còn thấy đường cũng không nói được nữa. Bữa trước mấy chú bên Hội Chữ thập đỏ xã giúp tôi mới có tiền đưa cháu đi viện lần hai”. Bất hạnh, mất mát của Liên không phải là nỗi đau duy nhất đột ngột ập xuống gia đình chị Gái.
Chị Gái người Long An. Không biết chữ, không có nghề nghiệp ổn định, mấy chục năm rồi chị cắm mặt làm thuê, làm tạp vụ. Sinh được bốn người con (Liên là thứ ba), chị hay nói với chồng khó khăn kiểu gì cũng phải ráng cho con học hành đến nơi đến chốn. Bởi, đời cha mẹ ít chữ, quần quật làm thuê làm mướn hoài rồi không lẽ đời con, cháu cũng vậy. Sáng nào chị cũng cũng lội bộ đi làm.
Không dám ăn, không dám mặc chỉ mong con cái đủ no, đủ ấm. Hai vợ chồng, người làm tạp vụ, người lênh đênh sông nước. Ấy vậy mà chẳng thể nào thoát ra được cái nghèo. Đùng một cái, chồng chị mất vì tai nạn xà lan. Hồi đó, chị chưa tới bốn mươi và có bốn đứa con nheo nhóc. Liên nghỉ học khi mới hết lớp 6, lần lượt các anh, chị của Liên cũng phải bỏ dở tập sách. Mới đây, cô em út của Liên cũng đã phải nghỉ học khi chưa hết chương trình lớp 9. Vậy là, giấc mơ “để chữ cho con” của chị Gái không thành.
Nghỉ học, Liên khăn gói lên Sài Gòn xin phụ bán quán phở kiếm tiền. Chị Gái hay bảo, Liên là đứa con gái ngoan hiền và rất thương mẹ. Làm được đồng nào, Liên gởi về nhà hết. Cứ thế, Liên cắm cúi đi qua tuổi 16, 17, không biết đến chuyện ăn ngon, mặc đẹp là thế nào. 18 tuổi, Liên về quê lấy chồng. Chồng Liên cũng là người Long An, hiền lành và chịu khó. Vợ chồng son, cuộc sống tuy vất vả nhưng rất ấm êm, hạnh phúc. Thế nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang. Khi Liên mang thai cô con gái đầu lòng đâu được mấy tháng thì chồng mất. Chưa kịp bình tâm sau mất mát quá lớn đó, Liên ngã bệnh. Căn bệnh quái ác dần cướp đi đôi mắt sáng, đôi chân khỏe và cả giọng nói lẫn đôi tay lẽ ra phải được ẵm bồng con gái của Liên. Chị Gái tâm sự: “Tai họa cứ đến liên miên khiến gia đình tôi trở tay không kịp. Liên còn trẻ quá, mới ngoài hai mươi tuổi mà tương lai thì rất mờ mịt”.
Mẹ làm đôi chân, đôi tai và cả đôi mắt cho conGiữa trưa, trời Long An đột ngột đổ mưa. Căn phòng tối nơi Liên nằm chẳng có gì ngoài thuốc và thuốc. Liên quờ quạng đôi tay và ú ớ gì đó. Chị Gái lại khóc. Chị nói: “Liên đòi bế con đó. Ngày nào cháu cũng quơ tay như vậy cả. Nhưng tay Liên run quá làm sao bế con được. Cháu ngoại tôi còn nhỏ, nếu lỡ mẹ bế với đôi tay run rẩy như vậy, cháu té ngã thì tôi biết phải làm sao. Dù vất vả thế nào, tôi cũng cam chịu, nhưng nhìn con như vậy, người làm mẹ cảm thấy mình thật bất lực”. Nói rồi, chị nắm tay Liên vỗ về: “Con ráng uống thuốc cho mau khỏi bệnh. Đợi sau này khỏe hẳn rồi thì con tha hồ mà bế cháu. Còn bây giờ hãy để mẹ lo”. Nói là nói vậy thôi chứ cái ngày Liên khỏe sao mà xa vời quá.
Từ đầu năm 2013 đến nay, khối u đã làm ảnh hưởng đến dây thần kinh số 5 khiến hai mắt Liên mù hẳn. Đã vậy, hai chân Liên cũng không co giãn bình thường được. Thành ra, mọi sinh hoạt cá nhân, từ ăn uống đến vệ sinh của Liên đều do chị Gái làm thay hết. Mỗi lần tắm, rửa cho con là thêm một lần nước mắt chị ứa ra. Đứa con gái khỏe mạnh của chị ngày nào, nay đang phải chống chọi với quá nhiều đau đớn. Vì Liên không nói được nên chị chỉ có thể cảm nhận nỗi đau của con bằng trái tim người mẹ.
Ngày trước, chị Gái làm tạp vụ, lương tháng cũng được hơn 2 triệu. Nhưng từ khi Liên bệnh, chị phải bỏ việc để ở nhà túc trực bên con. Thanh Tú (anh trai Liên) trở thành lao động chính, gánh vác cả gia đình. Mà Tú cũng chỉ nay đây mai đó làm thuê thôi nên thu nhập rất bấp bênh. Bà Nguyễn Thị Mưa (bà nội của Liên) bộc bạch: “Con dâu tôi khổ quá mà tôi già cả rồi, chẳng làm gì được ngoài việc phụ chăm con gái của Liên. Tôi cũng hay đau ốm, trong người lúc nào cũng mệt nhưng chẳng dám đi khám. Tiền đâu mà đi. Giờ thằng Tú phải gánh vác cả nhà. Liên thì nằm một chỗ chưa biết ngày mai ra sao”.
Tôi ngồi với mẹ con chị Gái đến tầm giữa trưa thì mấy anh bên Hội Chữ thập đỏ xã ghé thăm. Anh Nguyễn Văn Cư, phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Chánh cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, hội đã cố gắng vận động các nhà hảo tâm, bà con trong xã giúp chị Gái kinh phí đưa cháu Liên đi bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh của cháu phải chạy chữa lâu dài, tình cảnh gia đình cháu lại quá khó khăn. Trước đây, gia đình chị Gái thuộc diện hộ cận nghèo. Chúng tôi đang xem xét đưa vào diện hộ nghèo và tiếp tục tìm cách hỗ trợ trong khả năng”.
Nhìn cháu ngoại nằm trên võng, chị Gái khẽ thở dài: “Sinh con ra mà không thể chăm sóc, ẵm bồng cũng không thể thấy gương mặt con thì đau đớn biết mấy. Chẳng đêm nào Liên ngủ được. Tôi cũng thức theo con. Chắc là Liên đau đớn nhiều lắm, cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi muốn đi làm kiếm tiền để đưa Liên lên bệnh viện điều trị tiếp. nhưng, trong tình cảnh này, làm sao tôi có thể bỏ Liên ở nhà được”. Cũng phải, làm sao chị có thể tìm việc và đi trong lúc này. Bà Mưa đã già yếu rồi, con gái Liên còn nhỏ xíu, cô em út của Liên cũng chỉ mới mười mấy tuổi đầu. Nhà năm người phụ nữ, chỉ có chị là đủ sức ẵm bồng Liên và cũng chỉ có chị hiểu Liên muốn nói gì, đau đớn ra sao trong những tiếng ú ớ kéo dài. Chị phải kề cận, vừa làm đôi tai, đôi mắt vừa làm đôi chân cho Liên.
Rời căn nhà nhỏ nằm lẩn khuất giữa những cánh đồng, tôi cứ nghĩ mãi về tương lai của những người phụ nữ ở đó. Rồi đây, Liên sẽ ra sao, con gái Liên lớn lên thế nào? Và chị Gái nữa, người mẹ nghèo, người mẹ cả đời lam lũ vì con ấy liệu có đủ sức vượt qua giai đoạn khốn khó này không. Hơn bao giờ hết, mong rằng sẽ có những tấm lòng nhân ái đến với mẹ con chị. Mong phép mầu sẽ đến để Liên có thể sớm được ẵm bồng con gái như khao khát bấy lâu nay.