Gian nan đường… làm lớp trưởng
Ở cấp THCS và THPT không ít phụ huynh “chạy chọt”, thậm chí gây sức ép để con được làm lớp trưởng.
Cô M. Lan chia sẻ: “Em cũng muốn cho cháu nó làm cho yên cửa, yên nhà, nhưng các bạn cùng lớp lại không bầu, vì cô bé không có uy tín”. Cô M.Lan đã từng dính “phốt” khi đưa một học sinh không được các học sinh khác tín nhiệm lên làm lớp trưởng.
“Lớp đó có 2-3 bạn gái khác rất ghê gớm, lớp trưởng thường xuyên bị bắt nạt nên cũng chẳng nói được ai. Cô bé đó cũng không quán xuyến được việc lớp, hiền quá. Trong lớp có bạn nhà nghèo, bị tai nạn, cô bé lớp trưởng chẳng quan tâm, tổ chức các bạn đi thăm. Một bạn gái khác trong lớp phải đứng ra tổ chức, rồi quyên góp tiền, tặng quần áo. Lớp trưởng nói không ai nghe, lớp nhiều bè phái kích bác nhau. Giáo viên chủ nhiệm mệt mỏi lắm”.
Hy hữu nhất là trường hợp mà cô H.Giang, giáo viên dạy lớp 11, ở Kiến Xương, Thái Bình kể, cô nhận được lời đề nghị của một phụ huynh cho con trai mình làm lớp trưởng với lý do: “Cháu là trưởng chi họ to nhất làng, lại học giỏi. Cho cháu làm lớp trưởng để cháu rèn thêm kỹ năng giao tiếp, làm việc làng, việc họ…”.
Dẫu lý do rất
“chính đáng” như vậy nhưng cô H.Giang cũng không dám để cậu bé này làm lớp trưởng
vì cậu bé rất hiền, trong khi lên cấp III, lớp trưởng thường phải cùng GVCN
giải quyết các vụ việc liên quan tới học sinh, thậm chí phải làm việc cả với
Hiệu trưởng.
“Hơn nữa, lớp tôi chủ nhiệm cũng đã có một lớp trưởng xứng đáng. Cô bé này đã là lớp trưởng 5 năm liền hồi cấp II, rất xinh xắn, cô giáo giao việc gì cũng hoàn thành. Đặc biệt cô bé rất tháo vát chuyện tiền nong, thu chi quỹ lớp, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, biết bảo vệ, bảo ban các bạn. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm rất nhàn…”- cô H.Giang cho biết.
Trong khi các lớp chuyên, chọn phụ huynh lo lắng cho con làm lớp trưởng thì ở lớp bổ túc lại chẳng phụ huynh nào “dám” cho con làm lớp trưởng. Một cô giáo đang dạy tại Trung tâm giáo dục thường xuyên ở Hà Nội cũng chia sẻ nỗi buồn về việc chọn lớp trưởng ở khối học này:
“Tôi chọn em nào, phụ huynh các em cũng giãy nảy lên để chối. Điều này cũng không có gì lạ, lớp học bổ túc các em học tập lơ là. Lớp trưởng mà ngoan, gương mẫu thì bị bạn ghét; mà lớp trưởng lười học, a dua theo các bạn thì có khi còn tai quái, điêu ngoa trên tài các bạn vì còn phải học cách đối phó với cô”- cô nói.
“Cánh tay nối dài” của cô giáo
Nguyễn Thu T- cô bé xinh xắn, lớp trưởng lớp 3 ở Hà Đông, Hà Nội kể với giọng rất người lớn: “Cô giáo con bảo, lớp trưởng là người đứng đầu lớp, thay mặt cô giáo khi đi vắng. Để làm lớp trưởng, con phải học giỏi, gương mẫu và… quát được các bạn”.
Hình ảnh của Thu T. ở lớp khi cô giáo đi vắng là tay lăm lăm cái thước để dọa bạn và ghi nhớ các trò nghịch ngợm để khi cô về thì mách cô. “Công việc của con vất vả nhất lúc ăn cơm và cho các bạn đi ngủ trưa. Con phải giúp cô xem cơm canh các tổ lấy về đủ chưa, có bạn nào thiếu không…”
Cô M.H- Chủ nhiệm lớp bé Thu T cho biết, lớp cô đang chủ nhiệm năm nay có tới …4 phụ huynh đặt vấn đề xin cho con làm lớp trưởng. Trong đó có một phụ huynh là chị gái của đồng nghiệp trong trường. Lời đề nghị nào cũng nể nhưng với kinh nghiệm giáo viên lâu năm, cô M.H chọn bé…làm được việc.
Cô cho biết: “Học sinh tiểu học thuần, dễ bảo nhưng lớp học quá đông, 50-60 em, hầu như cô giáo nào cũng cần người biết giúp quản lớp. Năm lớp 1, lớp này có bé khác làm lớp trưởng nhưng không dám nói bạn nào. Cứ cô đi vắng là lớp như cái chợ. Tới năm lớp 2, cô giáo chủ nhiệm lớp chọn bé Thu T. Năm nay, mới qua mấy ngày đầu năm học, tôi thấy bé Thu T làm rất thích hợp, các bạn trai thì … thích, các bạn gái thì nghe. Còn cô giáo dặn dò gì, bé nhớ ngay và thực hiện đúng yêu cầu”.
Theo Điều 15, Quyết định 07 của Bộ GD-ĐT áp dụng cho trường THCS, THPT và TH liên cấp về tổ chức lớp học thì mỗi lớp có 1 lớp trưởng, lớp phó được học sinh trong lớp bầu đầu năm học. Tuy nhiên, theo một số giáo viên, có lớp 1 năm thay 3-4 lớp trưởng, nhưng cũng có lớp 9 năm học (từ tiểu học tới hết THCS) chỉ có 1 lớp trưởng. |
Cô Hà Thị Thủy- giáo viên tiểu học ở Gia Lâm (Hà Nội) thì chia sẻ, trong lớp có 50 học sinh, cô thường chọn bé nào lớn hơn các bạn cùng lứa một chút, nói năng được, và đặc biệt là “cô bảo phải nghe”..
Cô Thủy cho biết thêm, bé nào có năng lực, làm được lớp trưởng thì cũng khá vất vả vì hoạt động cũng mất nhiều thời gian nên một số phụ huynh không thích cho con làm lớp trưởng. Tuy nhiên, tỷ lệ số phụ huynh muốn con mình làm lớp trưởng bao giờ cũng nhiều hơn bởi lớp trưởng phải học giỏi, gương mẫu mới nói được các bạn, có kỹ năng giao tiếp và tổ chức. Bé nào làm lớp trưởng, nếu có tổ chất thì đều phát huy được các năng lực này. Vì thế, đầu năm học, thường có 1 vài phụ huynh tới đặt vấn đề với cô xin cho con làm lớp trưởng để “cho cháu nó thử sức”.
Thậm chí có phụ huynh có cậu con trai lớn hơn các bạn cùng lớp, hay gây gổ đánh nhau với bạn cũng đề nghị cô: “cho cháu làm lớp trưởng, tổ trưởng cũng được để cháu phải làm gương cho các bạn, bớt nghịch ngợm”.