Dân Việt

Ý kiến quyết liệt của nông dân

Sông Thao 14/08/2013 06:37 GMT+7
Cuối cùng thì cái sự thật gây lo ngại và đau lòng đã được Bộ NNPTNT thừa nhận với công văn gửi sở NNPTNT các tỉnh, thành cả nước “tiến hành kiểm tra thực trạng nông dân bỏ ruộng hoặc xin trả lại ruộng”.
Bỏ ruộng ở nơi đất cằn sỏi đá như Quảng Bình, vùng biển Thanh Hóa, nhưng cũng rất nhiều nơi vẫn được tiếng là “tấc đất tấc vàng”. Một vài tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ phì nhiêu có số ruộng bỏ hoang trên 1.000ha. Phải nghiêm túc coi hiện tượng bỏ ruộng là ý kiến cuối cùng, quyết liệt của nông dân sau quá trình dài chứ không chỉ là hiện tượng nhất thời. Và cũng phải thừa nhận đó là hậu quả trực tiếp của chính sách với nông nghiệp và tình trạng của nền kinh tế quốc gia.

Giá thành mỗi kg thóc ở đồng bằng sông Cửu Long là 3.400 đồng. Nông dân khó khăn lắm cũng chỉ bán được 3.400 đồng. Trong khi người thành phố vẫn phải mua từ 15.000 - 20.000 đồng/kg gạo. Thu nhập bình quân cho một hộ nông dân khoảng 4 người với 5 hay 6 sào ruộng trồng lúa cũng chỉ có trên 20 triệu đồng/năm. Giá vật tư, thuốc trừ sâu, tiền thuê đất đều tăng gấp đôi, trong khi giá thóc thậm chí không tăng hoặc tăng không đáng kể.

Ai bảo lạm phát không ảnh hưởng đến nông dân? Lạm phát đẩy giá mọi thứ lên cao, trừ giá thóc vì hạt thóc phải qua quá nhiều khâu trung gian. Khâu trung gian thả nổi giá theo đà lạm phát trong nước và không bao giờ chịu nhường nhịn lợi nhuận theo nguyên tắc “tối đa” sẵn có của kinh doanh tư bản chủ nghĩa. Chúng ta thường nói đến “định hướng” nhưng rất khó (nếu không nói là không thể) định hướng giá cả trong kinh tế thị trường.

Chính vì giá cả cùng lợi nhuận không được kiểm soát của khâu “trung” và “gian” đã bòn rút đến từng xu đồng lãi èo uột của nông dân. Không ai, kể cả các vị Thánh, có thể cày cấy, sản xuất mà không có lời để nuôi miệng và gia đình, chưa nói tới tái sản xuất. Tình trạng này đã có từ lâu, mấy năm lạm phát gần đây mới thấm đòn, bộc lộ rõ. Ban đầu người ta chỉ “báo động” rồi bỏ qua. Đến nay thì hai năm đã rõ mười. Cày cấy mà không đủ ăn, không có lãi thì tấc đất chỉ là tấc đất, nông dân bỏ ruộng là tất yếu. Họ có khu công nghiệp xa hay gần chào mời dù lương rẻ mạt nhưng vẫn cao hơn thu nhập từ làm ruộng; hay lên phố bán hàng rong...

Hàng ngàn ha đất bị bỏ hoang chưa phải là quá lớn trong hàng triệu ha đất canh tác. Nhưng đó không chỉ là tiếng chuông báo động. Đó là ý kiến quyết liệt của nông dân. Họ không có chỗ để nói, để yêu cầu, chất vấn làm thay đổi chính sách hay các loại giá cả. Ý kiến của họ được phát biểu một cách tự nhiên, thậm chí không tính toán, đòi hỏi. Không có ăn thì bỏ ruộng tìm cách khác làm ăn khá hơn, thế thôi. Cũng như thời hợp tác hóa, nông dân đã có ý kiến theo cách của mình là khoán chui. Ý kiến của họ đã được chấp nhận và cứu được nền nông nghiệp nước nhà. Xin hãy rút kinh nghiệm và chớ coi thường những ý kiến không phải là ý kiến nữa mà là hành động.

Bài toán của Bộ NNPTNT đơn giản nhưng đòi hỏi phải có tâm với nông dân, có tài năng về lãnh đạo nông nghiệp mới giải nổi để nông dân hào hứng với ruộng đất. Đó là, làm thế nào để nông dân có thể sống tốt trên thửa ruộng của mình.