Dân Việt

Giải đáp về xuất - nhập cảnh của công dân tại VN

Tạp chí Quê hương 06/09/2013 18:36 GMT+7
Tôi là Việt kiều hồi hương, đã đăng ký hộ khẩu tại Việt Nam. Sau đó cảm thấy không phù hợp với cuộc sống trong nước, muốn trở lại nước trước kia đã có quốc tịch...
Xin hỏi:

Tôi phải làm những thủ tục xuất cảnh gì? Nếu không làm bất cứ thủ tục gì mà tự động rời khỏi Việt Nam thì có vi phạm pháp luật Việt Nam không?
Sau đó nếu muốn trở về quê hương để du lịch, thăm thân thì sẽ phải làm thủ tục gì?

Trả lời:

1. Thủ tục xuất cảnh:

Nếu bạn đã đăng ký hộ khẩu tại Việt Nam và sau đó muốn xuất cảnh thì cần phải có giấy tờ có giá trị xuất cảnh. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/08/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 65/2012/NĐ-CP ngày 06/09/2012 (sau đây viết tắt là “Nghị định số 136”) quy định: “Công dân Việt Nam mang giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được xuất cảnh, nhập cảnh về Việt Nam không cần thị thực”.

Theo khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 136, những loại giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh gồm: (1) Hộ chiếu quốc gia (hộ chiếu ngoại giao; hộ chiếu công vụ hoặc hộ chiếu phổ thông); (2) Giấy tờ khác (Giấy thông hành biên giới; Giấy thông hành nhập xuất cảnh; Giấy thông hành hồi hương hoặc Giấy thông hành).

2. Vấn đề rời khỏi Việt Nam:

Nếu Hộ chiếu Việt Nam của bạn còn giá trị thì bạn được xuất cảnh ra khỏi lãnh thổ Việt Nam mà không cần thị thực. Khi ra sân bay, bạn phải thực hiện thủ tục khai báo xuất cảnh. Cụ thể:

Căn cứ theo quy định tại Công văn số 4850/VPCP-QHQT của Văn Phòng Chính Phủ ngày 12 tháng 7 năm 2010 về việc bỏ tờ khai nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam thì:

Bạn không phải kê khai tờ khai Nhập cảnh - Xuất cảnh tại các cửa khẩu đã trang bị máy đọc hộ chiếu và được nối mạng máy tính.

Tại các cửa khẩu chưa được trang bị máy đọc hộ chiếu và nối mạng máy tính thì bạn vẫn phải khai báo trên tờ khai Nhập cảnh – Xuất cảnh theo Quyết định số 3195/QĐ-BCA-A61 của Bộ Công an ngày 10 tháng 8 năm 2010 về việc ban hành mẫu Tờ khai Nhập cảnh – Xuất cảnh.

Trên mẫu Tờ khai Nhập cảnh – Xuất cảnh này có phần khai dành cho Hải quan. Theo đó, khi nhập cảnh, xuất cảnh tại bất kỳ cửa khẩu nào mà bạn có hành lý, hàng hóa thuộc diện phải khai báo hải quan thì vẫn phải kê khai vào tờ khai Nhập cảnh - Xuất cảnh tại phần khai báo hải quan.

3. Thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam để thăm thân, du lịch:

Trường hợp 1 : bạn vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam.

Nếu bạn có hộ chiếu Việt Nam hợp pháp và còn giá trị, bạn có thể sử dụng hộ chiếu này nhập cảnh vào Việt Nam mà không cần xin thị thực Việt Nam.

Nếu bạn không có hộ chiếu Việt Nam, hoặc hộ chiếu Việt Nam của bạn đã bị mất, bị hư hỏng, hoặc đã hết thời hạn, bạn cần nộp hồ sơ xin cấp hộ chiếu Việt Nam lên Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại theo Thông tư liên tịch số 08/2009/TTLT/BCA-BNG hướng dẫn việc cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành ở nước ngoài theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Theo đó, Thông tư này quy định:

a) Đối với trường hợp xin cấp mới hộ chiếu Việt Nam, hồ sơ bao gồm:

- 01 tờ khai theo mẫu quy định.

- 02 ảnh mới chụp, cỡ 4 x 6 cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, phông nền màu trắng;

- Bản sao hoặc bản chụp giấy tờ dùng làm căn cứ để cấp hộ chiếu. Những giấy tờ dùng làm căn cứ để cấp hộ chiếu bao gồm:

· Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (loại có ảnh) theo quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch được ban hành qua các thời kỳ;

· Giấy tờ do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân còn giá trị, có ghi đầy đủ yếu tố nhân thân và ảnh. Yếu tố nhân thân của một người bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, giới tính, quốc tịch của người đó.

Các giấy tờ trên nếu đã hết giá trị hoặc không có ảnh thì chỉ dùng tham khảo để làm căn cứ cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu, cấp giấy thông hành.

- Bản sao hoặc bản chụp giấy tờ chứng minh người đề nghị cấp hộ chiếu đang có mặt ở nước sở tại.

b) Đối với trường hợp xin cấp lại hộ chiếu Việt Nam, hồ sơ bao gồm:

- Tờ khai, ảnh và giấy tờ như đã nêu trong Hồ sơ xin hộ chiếu lần đầu.

- Nộp lại hộ chiếu đã được cấp. Nếu hộ chiếu bị mất thì nộp đơn trình báo mất hộ chiếu.

Nếu hộ chiếu trên do chính cơ quan đại diện Việt Nam cấp thì không yêu cầu nộp giấy tờ làm căn cứ cấp hộ chiếu.

Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại sẽ kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ và tuỳ từng trường hợp sẽ trao đổi hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng ở trong nước xem xét cấp hộ chiếu, bảo đảm cấp đúng đối tượng, và đúng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp 2: bạn giữ quốc tịch nước ngoài.

Với hộ chiếu nước ngoài, bạn phải xin cấp thị thực vào Việt Nam tại Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại quốc gia nước sở tại.

(Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự. Địa chỉ: B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội)