Đây là một trong những nội dung được Oxfam nêu ra tại “Tuyên bố báo chí” vừa được tổ chức này công bố vào hôm 4.11.
Theo tổ chức này, các kết quả tham vấn và thăm dò ý kiến của người dân do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ ở một số tỉnh và Liên minh Đất đai thực hiện (từ tháng 10.2012 đến tháng 2.2013) với sự hỗ trợ Oxfam và Viện Nghiên cứu Lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), và tham vấn do Liên minh Đất đai thực hiện (từ tháng 8.2012 đến tháng 9.2013) cho thấy “hơn bao giờ hết người dân mong chờ và kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi lần này sẽ đáp ứng những nhu cầu chính đáng và nguyện vọng sâu xa của họ”.
Tham vấn nông dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại xã Quy Hậu (Tân Lạc, Hòa Bình), do Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình thực hiện.
Tuyên bố của Oxfam nêu 4 nguyện vọng cụ thể của người dân được đúc rút qua các đợt tham vấn nói trên:
“Cơ chế chuyển dịch đất đai cần đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội của người dân, đặc biệt là nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, phụ nữ và dân tộc thiểu số. Nhà nước chỉ thu hồi đất để sử dụng vì lợi ích công.
- Nhà nước cần đảm bảo quĩ đất, đặc biệt đất nông nghiệp cho nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cần ưu tiên thu hồi và giao các diện tích đất và rừng có tiềm năng sinh kế, gần khu dân cư, phù hợp điều kiện tập quán sản xuất của người dân và cộng đồng địa phương từ nguồn diện tích đất rừng mà các doanh nghiệp lâm nghiệp Nhà nước đang sử dụng không hiệu quả, đang cho thuê hoặc giao khoán.
- Không nên trao thẩm quyền quyết định giá đất cho UBND cấp tỉnh mà cần có một cơ quan riêng thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội có chức năng quyết định giá đất. Để đảm bảo giá đất phù hơp với thị trường, cơ quan nhà nước có nhiệm vụ quyết định giá đất này phải sử dụng dịch vụ định giá đất độc lập khi thẩm định và quyết định giá đất. Người bị thu hồi đất có quyền tham gia giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập sẽ tham gia đấu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Cần luật định tỷ lệ đồng thuận của cộng đồng khi Nhà nước lấy ý kiến người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, lựa chọn danh sách tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập để tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ và phương án thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chỉ được phê duyệt khi đạt được sự đồng thuận của đa số người dân địa phương nơi quy hoạch và người bị thu hồi đất; tỉ lệ đồng thuận cần đạt ít nhất 70%.
Bên cạnh kết quả tham vấn và thăm dò ý kiến của người dân do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ ở một số tỉnh và Liên minh Đất đai thực hiện là gần 7 triệu lượt ý kiến từ những người được tham vấn do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện trước kỳ họp thứ 5, và rất nhiều ý kiến đóng góp qua kênh báo chí của các chuyên gia, trí thức trong cả nước. Những nguyện vọng của người dân trong cả nước cần được coi là cơ sở quan trọng nhất để điều chỉnh Luật đất đai nhằm đảm bảo tính khả thi cao của đạo luật quan trọng này”.
Tuyên bố báo chí của Tổ chức này bày tỏ: “Chúng tôi tin tưởng rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thảo luận ngày 6.11 tới và biểu quyết thông qua ngày 29.11 sẽ khẳng định được quyền tiếp cận đất đai của người dân, quyền tài sản này được pháp luật bảo vệ cùng các nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự tham gia và đồng thuận của người dân”.
Oxfam là liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại 94 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Oxfam là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu rủi ro thảm họa, phát triển xã hội và cộng đồng dân tộc thiểu số, nâng cao vị thế phụ nữ.