Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, việc tìm lốp máy bay được triển khai từ chiều 21.10 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, nên Cục Hàng không phải soạn văn bản yêu cầu tìm kiếm trên diện rộng với quy mô lớn.
Trên thực tế, cho đến nay khi công điều tra đang được tiến hành và chiếc ATR-72 phải nằm ở sân bay Đà Nẵng, hộp đen của máy bay đã được niêm phong, nhưng nhiều người vẫn chưa hết ngạc nhiên tại sao máy bay bị gãy càng, lốp bị rơi mà cả tổ bay và kỹ thuật viên có mặt trên chuyến bay đều không hay biết gì, thậm chí hoạt động cất-hạ cánh tại 2 đầu sân bay vẫn diễn ra rất bình thường?
Về việc này, trao đổi với PV, đại diện Vietnam Airlines cũng không thể giải thích được nhiều về sự cố hi hữu này: “Ở mũi trước của máy bay có 2 bánh, nên khi chỉ còn 1 bánh thì máy bay vẫn có thể tiếp đất để hạ cánh được. Còn chuyện lốp máy bay bị rơi ra lúc nào, tại sao tổ bay không biết thì phải chờ có thêm thông tin từ bộ phận kỹ thuật”.
Phía Cục Hàng không Việt Nam cũng cho hay, đây là sự cố nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trong 21 năm sử dụng máy bay ATR-72 tại Việt Nam.
Theo đại diện Cục Hàng không, ATR-72 là dòng máy bay tầm thấp, loại máy bay này không có hệ thống đèn hiệu thông minh và hiện đại để thông báo các chỉ số kỹ thuật như máy bay Airbus hay Boeing, vì thế những thông tin về sự cố lốp như trường hợp vừa xảy ra cũng khó có thể phát hiện ngay được.
“Chúng ta có thể hình dung dòng máy bay ATR-72 và Airbus, Boeing cũng giống như các dòng ô tô. Một chiếc xe Matiz khác với chiếc xe Mercedes về mọi mặt, như vậy để thấy dễ hiểu hơn tại sao thông tin báo hiệu sự cố của chuyến bay VN1673 lại không được phát đi ngay khi xảy ra, đến khi về sân đỗ an toàn tại Đà Nẵng rồi thì kỹ thuật viên mới nhìn thấy mũi trước máy bay mất 1 bánh.” - một đại diện của Cục Hàng không cho hay.