Dân Việt

Cỗ xe đời

24/07/2010 16:55 GMT+7
(Dân Việt) - Ngồi buồn, tui "thiết kế" chiếc xe nhỏ được lắp ráp từ mấy cây tầm vông và vạt tre, cần xé, bánh xe đạp cũ buộc cần vào cổ 3 con chó và dạy chúng kéo. Không ngờ chúng kéo chạy bon bon.
 img
Cỗ xe chó kéo của dì Mỹ.

74 năm có mặt trên cõi đời này cũng là ngần ấy thời gian tui sống trong nghèo khó.

Nhà tui ở gần bến Trung Dân, đầu nguồn con sông Vàm Cỏ Đông thuộc vùng xa nhất của xã biên giới Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Sáng nào cũng vậy, tui dậy sớm dọn dẹp căn lều rồi lui cui đạp xe đi trước, cỗ xe hai bánh nhỏ do mấy con chó kéo chạy theo sau. Tui làm thuê, mùa nào việc ấy, khi mót lúa, lúc làm cỏ mì, hái xoài, vớt lục bình, bắt ốc… để kiếm chút gạo, chai nước mắm cho bữa ăn hàng ngày.

Tui cũng từng có chồng, có con. Chồng mất sớm, tui lam lũ làm thuê khắp chốn bưng biền, hết nuôi con, đến nuôi dâu, rồi nuôi cháu. Tích cóp, mấy mẹ con tui cũng xây được một căn nhà nhỏ. Nhà mới xây chưa ráo hồ thì con trai tui bị cướp đi sinh mạng trong một lần ra phố bị người ta lao xe máy vào rồi bỏ trốn. Nén đau thương, tui bán nhà để lo tang ma và xây một cái mả tươm tất cho con...

Việc xong, nhìn quanh, tài sản còn lại đáng giá của tui chỉ còn cái thân già bầu bạn với 3 con chó và 1 con heo. Ngồi buồn, tui "thiết kế" chiếc xe nhỏ được lắp ráp từ mấy cây tầm vông và vạt tre, cần xé, bánh xe đạp cũ buộc cần vào cổ 3 con chó và dạy chúng kéo. Không ngờ chúng kéo chạy bon bon. Hóa ra cánh cửa đời vẫn còn mở cho tui một kế sinh nhai...

Số tiền người ta đền cho mạng sống của đứa con trai, tui bảo con dâu giữ cả bởi nó cũng nghèo khó và bạc phước. Còn tui dắt mấy con chó xuống chiếc xuồng ba lá sống cuộc đời lênh đênh.

Buổi sớm không ai thuê mướn thì ra đồng mò cua, mót lúa, buổi chiều tui lại cùng chiếc xe chó chở những thứ vừa kiếm được ra chợ để đổi lấy thức ăn. Cho đến cái lần thoát chết sau trận bạo bệnh trên xuồng, tui mới lên bờ dựng nhờ chiếc lều trên một bãi đất hoang để làm nơi đặt di ảnh của chồng và đứa con xấu số.

Hơn chục năm nay, sức khoẻ tui ngày càng giảm, mấy con chó trở thành trợ thủ đắc lực cho tui vận chuyển những bao củ mì, lúa, trái cây mà tui thu gom được trong ngày. Chúng theo tui trên mọi nẻo đường cùng chiếc xe kéo đến chợ, ra đồng, cùng tui đi mót mì, lượm trái cây…

Đến giờ, tui đã sống gần trọn kiếp người, chưa một ngày vui sướng nhưng đã nếm trải đủ cái nghèo, cái cơ cực. Có lẽ vì vậy mà tui luôn nhìn đời bằng đôi mắt vô ưu. Tui trồng và chăm sóc cả một vườn khổ qua, bí đỏ, rau lang xanh mướt để bà con hàng xóm ai thích ăn thì cứ hái miễn phí. Tui có thói quen mỗi ngày cắm một cành hoa tươi lên vách lều rách và sẵn sàng nhịn đói để cho mấy con chó được no...

Có mấy phóng viên các báo đến thăm, hỏi tui rằng: “Dì cũng túng thiếu mà sao lại cho người ta như thế”. Tui trả lời: “Đời tui đã mất mát quá nhiều, chưa khi nào được dư giả. Cuộc sống của bà con miền bưng biền biên giới này cũng nghèo từ bao đời nay, nên biết thế nào là ranh giới của thiếu và đủ. Vậy nên cứ cho và nhận những gì mình có...

Cao Thị Mỹ (ấp Trung Dân, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, Tây Ninh)