Và bây giờ, nhiều khó khăn đang hiện diện trong cuộc sống của người dân ở các vùng đất mới...
“Thời điểm này, nếu không bị dân chửi bới, vác dao rượt đuổi thì không phải là cán bộ DDTĐC. Thực ra người dân cũng bức xúc lắm rồi, cán bộ cũng khổ không kém…" - ông Vũ Huy Hùng - Trưởng Ban quản lý Dự án DDTĐC Thuỷ điện Sơn La của huyện Thuận Châu (Sơn La) tâm sự.
Dân TĐC Thủy điện Sơn La ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La muốn phát triển chăn nuôi gia súc nhưng thiếu vốn, thiếu vùng chăn thả.
Những tháng ngày sôi độngĐể nhanh chóng đưa dân ra khỏi vùng lòng hồ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La và sớm tích nước để dự án điện sinh lời, các tỉnh trong vùng dự án đã huy động hết công suất, cả nhân tài, vật lực vào cuộc đại di dân này.
Tháng 1.2002, pháo hoa đã được bắn lên cùng cầu truyền hình trực tiếp đêm giao thừa - mở đầu cho cuộc di dân tại bản Hua Lon, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Rồi băng rôn, biểu ngữ, áp phích, tranh cổ động; các cơ quan báo chí trung ương, địa phương; các đoàn lãnh đạo các cấp, người dân cả nước thực hiện "Chung tay vì Thuỷ điện Sơn La". Những đoàn xe ô tô chở người, vật liệu nối đuôi nhau chạy khắp nơi trong tỉnh; những điểm thi công làm việc ngày đêm.
Ông Lù Bình - Trưởng Ban quản lý Dự án DDTĐC tỉnh Sơn La nhớ lại: Đấy là thời điểm chúng tôi hầu như suốt ngày ở dưới cơ sở, lãnh đạo tỉnh và huyện cũng vậy. Chỉ cần vận động thêm được một hộ dân tự nguyện di dân là đã coi như một thành công, bởi người dân chẳng ai muốn rời khỏi quê hương bản quán của mình để đến một nơi xa lạ.
Ở các điểm đón dân cũng khó khăn không kém bởi phải vừa làm hết tốc lực, vừa điều chỉnh các hạng mục đầu tư cho hợp lý, đúng luật, đảm bảo những yếu tố thuận lợi nhất cho người dân ổn định và phát triển lâu dài. Cả tỉnh này khi ấy là một đại công trường, một đại chiến dịch vận động và hưởng ứng cuộc vận động. Các cơ quan báo chí trung ương và địa phương cũng lăn xả vào cuộc, giúp các địa phương tháo gỡ rất nhiều vấn đề…
Khó khăn là vậy nhưng ở thời điểm ấy, công tác DDTĐC Thuỷ điện Sơn La ở 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cũng có không ít thuận lợi nhất định. Đó là sự đồng thuận cao của nhân dân cả nước, nhất là người dân vùng TĐC Thuỷ điện Sơn La. Người di dân sẵn sàng dứt áo ra đi, lập nghiệp trên vùng quê mới.
Người nơi đón dân cũng nhường cơm, sẻ áo, dành đất canh tác, đất rừng, đất ở, công sức, tiền của để giúp các hộ chuyển đến sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.
"Đấy là thời điểm sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tình đoàn kết các dân tộc được phát huy cao độ, chan chứa tình người" - bà Cầm Thị Sơn - nguyên Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn (Sơn La) thời điểm đón dân TĐC Thuỷ điện Sơn La, nói vậy.
Gánh nặng trên vai người dânĐầu tháng 8.2013, đến với các bản TĐC Thuỷ điện Sơn La tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, cảm nhận rõ những nhọc nhằn mà người dân đang phải gánh chịu. Vốn dĩ cuộc sống nông dân vùng cao đã nhiều khó khăn, cực nhọc, nay đến quê mới, cái vất vả lại càng nhân lên.
Gạt những giọt mồ hôi trên trán sau buổi đi nương kiếm củi, chị Phan Thị Chệnh, dân tộc Thái ở bản Nậm Hàng, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè (nay thuộc huyện mới Nậm Nhùn), Lai Châu, tâm sự: Khổ lắm các anh ơi. Nơi ở mới không có đất sản xuất, cũng chẳng biết làm cái gì để lấy cơm ăn. Muốn làm nghề khác thì không biết việc, không có vốn; đi làm thuê thì cũng chẳng ai thuê. Di dân rồi mới thấy khổ trăm đường!
Anh Điêu Chính So -Trưởng bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, Sơn La cho biết: “Cứ tính bình quân mỗi hộ đang bị Nhà nước nợ 30-40 triệu đồng tiền bù giá chênh lệch đất giữa nơi chuyển đi và nơi đến đã thấy chúng tôi thiệt thòi thế nào. Với số tiền ấy, chúng tôi có thể mua mỗi hộ 1 cặp trâu bò và đến nay, sau 5 năm TĐC, ít nhất mỗi cặp trâu bò ấy cũng đã được nhân đôi”.
|
Tại tỉnh Sơn La, nơi chiếm tới 2/3 số dân tái định cư trong Dự án Thuỷ điện Sơn La và là một trong những tỉnh làm tốt nhất công tác DDTĐC nhưng cuộc sống của bà con nông dân nhiều nơi vẫn khó khăn chồng chất.
Anh Vì Văn Tấm - Bí thư chi bộ bản Sơn Pha, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La, thật thà tâm sự: Chúng tôi được bố trí đất ở, đất sản xuất tại địa bàn thuận lợi về giao thông, có nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá phát triển hơn nơi ở cũ. Lúc đầu bà con cũng hứng khởi lắm, chăm chỉ làm ăn, cố gắng làm giàu.
Nhưng đất đai có hạn mà vốn liếng thì Nhà nước chưa thanh toán các khoản bồi thường chênh lệch. Vì thế, có muốn vươn lên cũng khó, cố lắm cũng chỉ ở mức không nghèo thôi. Mà bản chúng tôi là một trong những bản có nhiều thuận lợi của dân TĐC, chắc chắn sẽ có những bản khác khó khăn hơn nhiều!
Anh Điêu Chính So -Trưởng bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, Sơn La, cho biết: Tôi cũng đến nhiều điểm TĐC trong tỉnh và thấy rằng Thuận Châu là một huyện làm tốt công tác đón dân TĐC. Nhưng nếu không có vốn và không tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ thì người dân TĐC vẫn rất khó khăn.
Cứ tính bình quân mỗi hộ đang bị Nhà nước nợ khoảng 30-40 triệu đồng tiền bù giá chênh lệch đất giữa nơi chuyển đi và nơi đến trong mấy năm vừa qua đã thấy chúng tôi thiệt thòi thế nào. Với số tiền ấy, chúng tôi có thể mua mỗi hộ 1 cặp trâu bò và đến nay, sau 5 năm TĐC, ít nhất mỗi cặp trâu bò ấy cũng đã được nhân đôi. Đó là chưa tính những thiệt thòi khi chúng tôi chuyển đến nơi ở mới là không còn được hưởng chính sách khám chữa bệnh ưu đãi, mất luôn cả khoản cấp báo Nông Thôn Ngày Nay hàng ngày…
Theo ông Lù Bình -Trưởng Ban quản lý Dự án DDTĐC Thuỷ điện Sơn La tỉnh Sơn La thì: Người dân TĐC Sơn La và cả người dân vùng sở tại đón dân TĐC đang phải gánh chịu nhiều thiệt thòi và họ cũng rất bức xúc bởi những thiệt thòi ấy. Thực ra, cán bộ chúng tôi cũng đang “lực bất tòng tâm”, khổ lắm chứ…!