Dân Việt

Tá hỏa chứng kiến học sinh nông thôn “vật lộn” với tiếng Anh

28/09/2012 07:45 GMT+7
(Dân Việt) - Trong một dịp về quê, chị gái nhờ Loan kèm cho đứa cháu đang học lớp 3 môn tiếng Anh, Loan tá hoả khi nghe cháu đếm từ 1 đến 10 là “Oăn, tu, ti, pho…”, rồi table thì đọc thành “tha - bờ”, door thì đọc thành “đu”…

Chương trình thí điểm dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học được Bộ GDĐT thực hiện thí điểm chưa đầy 2 năm nhưng đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Tại nhiều khu vực nông thôn, học sinh mầm non, tiểu học cũng phải gồng mình với tiếng Anh, trong khi tiếng Việt đọc, viết còn chưa sõi.

Học sinh mầm non cũng “xài” ngoại ngữ

Mới làm quen với bảng chữ cái được vài ngày, nhưng học sinh 5 tuổi ở Trường mầm non tư thục Ngọc Trạo (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá) đã phải học chương trình tiếng Anh “bắt buộc” do chính giáo viên của trường dạy.

img
Nhiều học sinh tiểu học căng thẳng vì ngoại ngữ. (Ảnh minh họa).

Phụ huynh N.T.L có con học tại trường này cho biết: “Đầu tháng 9, cô giáo họp phụ huynh thông báo về các khoản thu đầu năm, trong đó có khoản mà nhiều phụ huynh băn khoăn nhất là: Học thêm tiếng Anh bắt buộc 30.000 đồng/ tháng/học sinh. Học sinh mẫu giáo đã thuộc hết bảng chữ cái đâu mà bắt buộc các cháu học thêm tiếng Anh?”.

Theo giáo viên trường này phân tích cho phụ huynh, 5 tuổi là độ tuổi tốt nhất giúp học sinh tiếp xúc với ngoại ngữ, mặt khác để chuẩn bị cho các cháu bước vào bậc tiểu học không bị “sốc” với chương trình dạy ngoại ngữ bắt buộc của các trường.

Chị L cũng cho biết: “Sau 2 tuần học ngoại ngữ, bé 5 tuổi nhà chị về nhà nhìn thấy mẹ cũng bi bô “hê - lô” với “bai - bai”, giọng ngọng líu ngọng lô, nghe vừa bực vừa buồn cười”. Được biết, giáo viên dạy tiếng Anh cho các cháu cũng chính là giáo viên mầm non của trường, trình độ ngoại ngữ thế nào, khả năng phát âm chuẩn đến đâu... cũng chẳng được ai kiểm định.

Nguyễn Thanh Loan (Đông Hưng, Thái Bình) hiện đang là sinh viên năm cuối khoa tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Trong một dịp về quê, chị gái nhờ Loan kèm cho đứa cháu đang học lớp 3 môn tiếng Anh, Loan tá hoả khi nghe cháu đếm từ 1 đến 10 là “Oăn, tu, ti, pho…”, rồi table thì đọc thành “tha - bờ”, door thì đọc thành “đu”…

Khi chỉ lại cách đọc chuẩn thì cháu dứt khoát cãi: “Ở lớp cô giáo dạy đọc như thế, dì dạy khác mai đến lớp cháu đọc sai lại bị phạt”. Loan đành “bó tay” không thể dạy tiếp cho cháu gái. Loan cho biết, tại trường tiểu học của cháu gái, tiếng Anh hiện đang là môn học bắt buộc và được dạy 2 buổi/ tuần với lượng kiến thức và bài tập về nhà tương đối lớn, khiến cô cháu lớp 3 lúc nào cũng phải “mệt bở hơi tai”. Bố mẹ đều là nông dân, không biết tiếng Anh, muốn kèm con học cũng “lực bất tòng tâm”.

Tuy không bắt buộc, nhưng một số trường trên địa bàn TP. Hà Giang cũng đã tự nguyện đưa chương trình này vào thử dạy tại một số trường tiểu học có điều kiện tốt nhất ở thành phố. Tuy nhiên, theo ông Trần Song Hà - Trưởng phòng Giáo dục: “Rất khó để đưa tiếng Anh chuẩn vào các trường tiểu học ở vùng cao do điều kiện về cơ sở vật chất và trình độ giáo viên đạt chuẩn thiếu. Đối với học sinh các thành phố lớn, việc học tiếng Anh đã không đơn giản huống chi là những vùng có trình độ dân trí thấp như nông thôn, miền núi”.

“Không chuẩn thầy, khó chuẩn trò”

Một trong những nguyên nhân môn ngoại ngữ trở thành gánh nặng đối với học sinh tiểu học nói chung và học sinh nông thôn nói riêng chính là trình độ chuẩn ngoại ngữ của người dạy.

Theo khảo sát của Bộ GDĐT về trình độ giáo viên ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu năm 2012, toàn quốc chỉ có 1.062/11.784 giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt trình độ B2 và 2.785 giáo viên đạt B1. Tại nhiều tỉnh, số giáo viên đạt chuẩn chỉ “nhấp nhổm” trên 10 người như Hà Nam 12/648 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn, Cần Thơ cũng chỉ có vài giáo viên đạt chuẩn trong tổng số 181 giáo viên tham gia khảo sát, tỉnh An Giang chỉ 5% đạt trong tổng số 1.500 giáo viên tham gia…

Cũng theo khảo sát này, giáo viên dạy tiếng Anh khối tiểu học có tỷ lệ đạt chuẩn thấp nhất, chỉ 17% giáo viên cả nước đạt trình độ A1, có nghĩa là tương đương về trình độ với người vừa nhập môn tiếng Anh.

Ông Trần Song Hà cho rằng, đối với học sinh nông thôn, miền núi, bước đầu chỉ nên khuyến khích các em học ngoại ngữ chứ chưa nên đưa vào chương trình bắt buộc. Trước khi đưa vào bắt buộc, cần chuẩn hoá đội ngũ giáo viên.

Cô Nguyễn Thị Hoà - một giáo viên dạy tiếng Anh bậc tiểu học tại Ba Vì, Hà Nội thừa nhận: “Thực tế giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học hiện nay phần nghe và phát âm chuẩn rất kém, dạy ngữ pháp thì còn được, nhưng đối với bậc tiểu học thì ngữ pháp lại chưa cần thiết bằng nghe – nói”.

Cũng theo cô Hoà, mỗi dịp hè cô cùng mấy giáo viên của trường lại phải rồng rắn xuống các trung tâm để học nâng cao trình độ, tuy nhiên để đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu mà Bộ GDĐT đề ra cũng còn phải… chạy dài.

Ông Trần Song Hà thì cho rằng: “Muốn chuẩn trò thì trước hết phải chuẩn thầy, chuẩn ngoại ngữ ở bậc tiểu học lại đặc biệt quan trọng vì đó là giai đoạn tiếp xúc với ngoại ngữ đầu tiên của các em, nếu dạy không chuẩn sau này học lên cao các em sẽ không thể sửa được”.