Quy định mới của Chính phủ về việc người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng có thể tạo ra khó khăn về tài chính cho những người nghèo đi xuất khẩu lao động.
Đối với người nghèo, ngoài số tiền phải chi cho các loại dịch vụ, chạy cho ra thêm 100 triệu đồng nộp tiền ký quỹ quả là gian nan. Tuy nhiên, dù có khó khăn cũng phải làm để bảo đảm những lợi ích khác, trong đó có lợi ích cho chính bản thân người lao động.
Bức tranh người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hiện đang quá xấu. Tình trạng lao động Việt Nam bỏ việc, bỏ trốn cao nhất trong 15 nước có lao động làm việc tại Hàn Quốc. Cứ 2 lao động sang làm việc thì có hơn một người bỏ trốn (57%), tỷ lệ này làm đau đầu các nhà quản lý Hàn Quốc cũng như phía Việt Nam. Và hậu quả của nó là Hàn Quốc tạm dừng nhập khẩu lao động Việt Nam, 12.000 hồ sơ lao động đã thi đỗ tiếng Hàn coi như không có cơ hội sang Hàn Quốc. 22.708 lao động Việt Nam đang sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã khóa cánh cửa xuất khẩu lao động của những người còn lại.
Những người bỏ trốn phá vỡ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng nhưng ở lại. Họ làm nghề tự do, ảnh hưởng đến thị trường lao động, vi phạm các quy định về quản lý lao động nhập khẩu của nước sở tại, chưa kể có không ít người vi phạm pháp luật. Trước tình hình này, việc tạm đóng cửa thị trường đối với Việt Nam là không thể tránh khỏi.
Phía Hàn Quốc đóng cửa thì phía Việt Nam phải tìm cách tác động để cánh cửa đó mở ra, và một trong những cách đang thực hiện là quy định ký quỹ 100 triệu đồng. Vi phạm hợp đồng, bỏ trốn, ở lại làm việc trái phép coi như mất tiền ký quỹ, chưa kể phải nhận lãnh những hậu quả khác khi bị phát hiện, trục xuất.
Vì mục đích giữ thị trường xuất khẩu lao động truyền thống cho nên phải có quy định ký quỹ, nhưng vấn đề đặt ra là người nghèo lấy đâu ra 100 triệu đồng để đóng? Một địa chỉ có thể giải quyết chuyện tiền nong là Ngân hàng Chính sách xã hội, người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể vay tối đa 100 triệu đồng. Nhưng để vay được số tiền này, đòi hỏi rất nhiều thủ tục, chuyện không hề dễ dàng.
Siết về tài chính để hạn chế lao động bỏ trốn, nhưng nên cởi mở bằng những chính sách cho vay để người nghèo có cơ hội tiếp cận. Nhiều người có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, làm việc nghiêm túc, chấp hành các quy định của hợp đồng, nhưng họ bị mất cơ hội vì những vi phạm của người lao động đi trước. Nếu cánh cửa được mở trở lại, họ có thể bị mất cơ hội vì không kiếm ra tiền để ký quỹ. Nếu như thế thì rất tội cho họ.