Dân Việt

Nghệ An - Hà Tĩnh: Dân khốn khổ trong biển nước

Từ đêm 17.10 tới 18.10, trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh trời đã ngớt mưa lớn nhưng nước lũ từ thượng nguồn và các hồ đập vẫn cuồn cuộn đổ về vùng hạ du khiến nhiều vùng ngập sâu, cô lập hoàn toàn.
Nhiều xã trở thành ốc đảo

Chiều 18.10, xã Long Thành, huyện Yên Thành vẫn bị cô lập tạo thành những ốc đảo giữa mênh mông biển nước. Chị Nguyễn Thị Hoa, xóm Giáp Bổn, chỉ những bì thóc bị ướt buồn bã: “Xã chúng tôi, là rốn lũ của huyện Yên Thành, hầu như năm nào cũng hứng chịu lũ lụt. Năm nay lũ lên nhanh khiến nhiều hộ gia đình không kịp trở tay. Toàn bộ lúa dự trữ của gia đình tôi bị ướt, có nguy cơ mọc mầm bởi giờ không phơi được...”.

Chị Nguyễn Thị Hoa lo ngại vì số thóc bị ướt vừa được kê cao lên trong ngày 18.10.
Chị Nguyễn Thị Hoa lo ngại vì số thóc bị ướt vừa được kê cao lên trong ngày 18.10.

Không riêng gì chị Hoa mà có rất nhiều hộ dân ở các xóm của xã Long Thành lúa dự trữ bị ngập nước, nhiều gia súc, gia cầm bị chết, ao nuôi cá bị ngập nước, mất trắng. Anh Nguyễn Hải, xóm Vân Thanh thở dài: “Xóm tui nhà mô cũng ngập nước, ngoài thiệt hại về tài sản, hư hỏng thì tình trạng thiếu thức ăn và nước uống là bi đát nhất, các bể nước cũng đều bị ngập. Dân chúng tôi ở đây năm nào cũng phải ngụp lặn trong lũ muôn vàn cơ cực, cuộc sống bị đảo lộn...”.

Ông Lê Công Đẩu – Chủ tịch UBND xã Long Thành cho biết: “Hiện 12 xóm với 2.500 hộ dân vẫn bị cô lập. Nếu nước lên nữa chúng tôi phải di dời dân đến nơi an toàn hơn”- ông Đẩu nói.

Tại 2 xã Hưng Nhân và Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên chiều tối 17.10, mực nước trên các sông Cả tại Nam Đàn lên mức 7,0 m. Người dân 2 xã này phải tất tả chạy lũ lên đê Tả Lam. Hàng trăm người dắt díu nhau lên đê dựng lều tránh lũ. Kế bên xã Hưng Nhân, 4 xóm của xã Hưng Lợi cũng ngập sâu trong nước. Chiều 18.10, hai xã này vẫn bị cô lập trong mênh mông biển nước, người dân chỉ có thể qua lại bằng thuyền, bè.

Ông Nguyễn Công Hoan - Chủ tịch xã Hưng Nhân cho biết: “Chúng tôi huy động dân phòng xã 24/24 giờ để sẵn sàng giúp những gia đình ngập sâu chạy lũ nếu nước tiếp tục dâng cao. Từ sáng 17.10, nhiều trường học trên địa bàn 10 xã ven sông của huyện Hưng Nguyên đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn”.

Tại huyện Thanh Chương, vỡ 2 đập Cồn Đẻn và đập Phốp, cùng với 6 hồ đập trên địa bàn bị tràn, đã làm cho các xã: Thanh Hà, Thanh Tùng, Thanh Giang, Thanh Mai, Thanh Xuân, Thanh Lâm bị ngập. Đặc biệt là 2 xã Thanh Xuân, Thanh Mai bị ngập sâu, hiện nay đã biến thành ốc đảo.

Nước lũ vây quanh trong khi đường sá đi các huyện khác cũng bị chia cắt. Tại km 396 đến km 397, Quốc lộ 1A đoạn qua xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu giáp ranh với thị xã Hoàng Mai bị ngập nặng với hàng ngàn lượt phương tiện dồn ứ hai đầu đường do mặt đường bị ngập sâu từ 0,5-1,2m. Đến chiều 18.10, tại km 396 đoạn qua địa bàn xóm 17 xã Quỳnh Văn vẫn ngập sâu, gây ách tắc giao thông.

Tỉnh lộ 534, đoạn qua xã Nghi Phương, Nghi Lộc có nơi ngập sâu hơn 1m. Tỉnh lộ 531 có nhiều đoạn tràn ngập đến 2,8m, cơ quan quản lý đường bộ đã cho lập barie để cấm người và phương tiện qua lại.

Lo ngại thiếu đói cho người và gia súc


Tại Hà Tĩnh, mưa lũ đổ về đúng vào dịp gieo trồng và chăm sóc các loại hoa màu, cây vụ đông. Đặc biệt, tại các huyện miền núi như Hương Sơn, Vũ Quang và Hương Khê có rất lớn diện tích trồng hoa màu, trận lũ lớn sau hoàn lưu bão số 11 đã cướp trắng số diện tích hoa màu vừa trồng.

Ông Nguyễn Văn Năm - Hạt trưởng Hạt Giao thông số 5 - Nghệ An cho biết: Hiện có 5 điểm sạt lở núi lớn ở Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn vùi lấp xuống mặt đường. Hạt đã tích cực dùng các phương tiện máy móc để san gạt và múc được trên 35.000m3 đất đá ở các địa điểm sạt lở núi. Dự định đến ngày 25.11 mới khắc phục xong các điểm sạt lở núi.


Ông Trần Đình Viện (63 tuổi) ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê cho biết: “Ngoài chuyện lũ về nhanh không kịp trở tay đã cuốn trôi của gia đình tôi 20 con gà và ổ lợn vừa sinh 10 con thì hơn 5 sào ngô đông và khoai lang vừa trồng cũng bị lũ cuốn, vùi lấp. Mặc dù là xã miền núi nhưng núi rừng giờ họ trồng cây hết rồi không còn cỏ nữa, chăn nuôi bò bây giờ cũng bằng ngô khoai là chính, tới đây mùa mưa rét, đàn bò chết đói mất thôi”.

Tại huyện Hương Sơn lũ về đột ngột đã gây ngập cho 29/32 xã, đến nay sau hai ngày lũ đi qua vẫn còn trên 15 xã vùng hạ du sông Ngàn Phố ngập nặng, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hải-Trưởng phòng NNPTNT huyện Hương Sơn nói: “Vụ đông Hương Sơn gieo trồng trên 1.700ha ngô thì nay bị ngập mất trắng trên 1.000 ha và có trên 400ha ao hồ nuôi cá bị chìm trong nước”.

Ngoài thiệt hại về hoa màu rất nhiều hộ nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn ở Hà Tĩnh cũng thiệt hại nặng. Bà Trần Thị Thương ở xã Hương Minh, huyện Vũ Quang nói trong nước mắt: “Gia đình tôi làm trang trại tổng hợp, trong đó có 15ha ao hồ nuôi cá đến tháng 12 này là tôi xuất bán. Không ngờ lũ đổ về quá nhanh nước ngập băng, toàn bộ 2 hồ gần 1 tỷ đồng tiền cá cuốn trôi theo nước”. Không riêng gì các huyện miền núi 2 trận lũ liên tiếp sau bão số 10 và 11 cũng gây thiệt hại cho hàng trăm hộ nuôi ngao ở các huyện ven biển Cẩm Xuyên và Lộc Hà.