Dân Việt

Hà Nội: Mở rộng diện tích trồng rau an toàn trên 8.100ha

28/09/2012 09:41 GMT+7
(Dân Việt) - TP.Hà Nội đang có kế hoạch đầu tư thêm 4 vùng trồng rau an toàn (RAT) nhằm cung cấp nhiều rau sạch cho người dân thủ đô.

PV NTNN đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hoa - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội về kế hoạch này. Bà Hoa cho biết:

- Để đáp ứng mục tiêu đến năm 2015, Hà Nội sẽ có 5.000- 5.500ha RAT, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã phối hợp với các quận, huyện rà soát, định vị được 3.800ha RAT, tăng 545ha so với năm 2011, phân bổ ở 93 xã trọng điểm. Chi cục BVTV Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo 3 vùng sản xuất RAT tập trung theo Dự án RAT ở Văn Đức (Gia Lâm) là 250ha, Duyên Hà (Thanh Trì) 57ha, Thanh Đa (Phúc Thọ) 50ha.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng 1 mô hình rau nước quy mô 10ha ở xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất); hướng dẫn giám sát và chỉ đạo 12 vùng sản xuất RAT theo VietGAP với tổng diện tích 125ha, hỗ trợ duy trì quản lý 10 nhóm rau hữu cơ ở Sóc Sơn với tổng diện tích 10,5ha…

img
TP. Hà Nội khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất RAT.

Dù trong thời gian qua, UBND TP.Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất RAT, nhưng vì sao vẫn có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, thưa bà?

- Thị trường tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội rộng, nhu cầu RAT lớn và đa dạng. Đây là áp lực lớn, nhưng cũng là thuận lợi để có thể tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất RAT. Tuy nhiên, việc đầu tư vào sản xuất RAT có tỷ lệ lãi tuyệt đối lại rất thấp, nên các doanh nghiệp không mặn mà, cũng có một số doanh nghiệp đầu tư 1-2 năm rồi lại chuyển sang nghề khác.

Một khó khăn nữa khi sản xuất RAT là diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, khó quản lý. Hà Nội đang tập trung triển khai quá trình dồn điền đổi thửa để khắc phục được khó khăn này. Bên cạnh đó, dù nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhưng điều đáng mừng là đã có thêm nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu về RAT để tham gia vào lĩnh vực này.

Có một thực tế là “chỗ đứng” của RAT chưa bền vững. Sắp tới, thành phố có những bước đi như thế nào để dần khắc phục thực trạng trên?

- Trước mắt, trong tháng 10 tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu sản phẩm xanh Việt Nam và chính quyền, các đoàn thể phường xã, tổ dân phố để thí điểm từ 20-30 cửa hàng, điểm tiêu thụ RAT theo nhóm dân cư. Theo đó, các hộ gia đình sẽ chọn ra một nhóm trưởng để tổng hợp nhu cầu sử dụng RAT của các hộ trong nhóm thông qua sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội. Nhóm trưởng sẽ tổng hợp và đăng ký với các hợp tác xã sản xuất RAT.

Như vậy, người tiêu dùng sẽ được sử dụng RAT từ gốc, giá thành hợp lý, chất lượng cũng được đảm bảo. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiến hành dán tem nhận diện RAT cho các cơ sở sản xuất, sơ chế RAT. Như vậy, RAT sẽ được quản lý, giám sát từ gốc đến ngọn.

Theo Quyết định 474 năm 2010 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển mạng lưới sản xuất RAT đến năm 2020, tổng diện tích RAT của thành phố là 16.276,7ha, bao gồm vùng sản xuất RAT tập trung là 151 vùng, với diện tích 6.644,7ha; các vùng sản xuất rau phân tán do nông dân tự phát trồng khoảng 2.190 vùng, với diện tích 9.632ha.

Để đáp ứng nhu cầu RAT theo đề án đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, đặc biệt là việc xây dựng các vùng RAT tập trung và mở rộng diện tích sản xuất RAT, hiện ngành nông nghiệp đã thực hiện các bước cụ thể như thế nào?

- Thời gian qua, chúng tôi đã thường xuyên, tích cực hướng dẫn các địa phương xây dựng vùng RAT tập trung theo Đề án RAT của thành phố. Đến nay, toàn thành phố đã có 24 dự án xây dựng vùng RAT tập trung được lập với tổng diện tích 1.652,8ha.

Đặc biệt, chúng tôi đã tham mưu với Sở NNPTNT Hà Nội xây dựng xong dự thảo về việc “Phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung định hướng quy hoạch phát triển mạng lưới sản xuất RAT trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2020” để trình UBND thành phố phê duyệt. Theo đó, sẽ mở rộng vùng sản xuất RAT tập trung lên 187 vùng với tổng diện tích 8.159,6ha; các vùng, sản xuất rau phân tán do nông dân tự phát trồng khoảng 2.170 vùng, với diện tích 9.395,3ha.

Xin cảm ơn bà!