Báo cáo sơ kết tại hội nghị nêu rõ: 5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tỉnh đã bám sát tinh thần chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, có nhiều đổi mới, sáng tạo, đột phá. Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) thu được nhiều kết quả tích cực mang tính đột phá; đời sống của người nông dân được cải thiện đáng kể.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, góp ý kiến vào báo cáo
sơ kết; chia sẻ kinh nghiệm triển khai Nghị quyết tại địa phương, đơn vị.
Một số đại biểu đề nghị cần điều chỉnh kịp thời những cơ chế, chính sách chưa phù hợp để huy động tốt nhất các nguồn lực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh sản xuất hàng hoá để cải thiện đời sống nông dân; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong triển khai Nghị quyết; biểu dương những mô hình, điển hình tốt nhằm tạo động lực cho thi đua; tháo gỡ khó khăn về vốn vay và tạo sự thông thoáng về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp trong triển khai các dự án…
Sau khi ghi nhận và đánh giá cao kết quả Quảng Ninh đạt được
trong thực hiện Nghị quyết, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị tỉnh tiếp tục lấy
phát triển sản xuất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân làm
nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí khác; đẩy mạnh tuyên truyền
trong cộng đồng dân cư chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM; nâng cao trách
nhiệm của nông dân, của doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia xây dựng NTM; coi
trọng việc đào tạo nguồn lao động nông thôn chất lượng cao; khuyến khích áp
dụng KHCN trong hoạt động sản xuất; đa dạng hóa mọi nguồn lực gồm cả nguồn lực
kinh tế và nguồn lực về con người; phát triển văn hoá, du lịch để góp phần xây
dựng NTM.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đề nghị tỉnh phải gắn thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII) về phát triển văn hoá với Nghị quyết T.Ư 7 (khoá X).
Ông Phạm Minh Chính-Bí thư Tỉnh ủy, cũng nhấn mạnh: Những kết quả đạt được 5 năm qua là rất lớn. Tỉnh đã đầu tư hạ tầng khá đồng bộ cho khu vực nông thôn; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng cao, số hộ khá tăng cao, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm.
Về những hạn chế cần khắc phục, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ: Phát triển sản xuất còn thiếu quy hoạch, chưa khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún; định hướng sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường còn lúng túng; chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển; tính hợp tác trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; cơ chế, chính sách chưa thực sự thông thoáng, thủ tục hành chính còn rườm rà; chưa có nhiều mô hình mới; KHCN ứng dụng vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa hiệu quả.
Trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo cán bộ các cấp, các ngành, người
dân phải đổi mới tư duy, không được trông chờ, ỷ lại. Lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư
và tổ chức thực hiện xây dựng NTM phải có trọng tâm, trọng điểm để đạt hiệu
quả, từ đó tạo sức lan toả. Các cấp, các ngành, đoàn thể cần tập trung cho
nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn. Trong đầu tư hạ tầng,
phải tập trung cho điện, nước, thuỷ lợi nội đồng phục vụ phát triển sản xuất.
Để đảm bảo an sinh xã hội, cần tập trung tôn tạo, phát huy các thiết chế văn
hoá ở cơ sở. Các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính;
chú trọng xây dựng các dự án để ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp; phát
triển các giá trị văn hoá để khai thác thành sản phẩm du lịch.
Các địa phương khu vực nông thôn phải có giải pháp chuyển dịch lao động nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp; tiếp tục đảm bảo ANTT; tuyên truyền, vận động và tổ chức cho nông dân thực hiện ăn, ở hợp vệ sinh. Các ngành, địa phương cần chủ động hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp khu vực sản xuất nông nghiệp.
Để triển khai Nghị quyết rõ mô hình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu mỗi huyện chọn 3 xã để xây dựng các mô hình: phát triển công nghiệp trong khu vực nông nghiệp, phát triển đô thị trong nông thôn, phát triển dịch vụ trong nông thôn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo tỉnh chọn huyện Hải Hà để xây dựng mô hình công nghiệp hóa khu vực nông thôn, vì nơi đây gắn kết tốt với KKT cửa khẩu Móng Cái, có Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà. Tỉnh chọn huyện Cô Tô để xây dựng mô hình đô thị hoá khu vực nông thôn ở hải đảo; chọn nông thôn huyện Bình Liêu để xây dựng thành khu vực dịch vụ vì nơi đây có cửa khẩu và đã được đầu tư hạ tầng giao thông tương đối tốt.