Dân Việt

Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu: Nửa đời mất mát

Hồ An Ngọc (Dòng Đời) 08/09/2013 09:49 GMT+7
Cuộc đời Hữu Châu thật nhiều những mất mát. Vậy mà anh vẫn nói, vẫn cười, thong dong gánh đời, gánh nghiệp trên vai.
Giờ anh không còn sợ, không còn khóc, cũng khó lòng mà buồn hơn được nữa. Và diễn là để khóc cười cho chính bản thân.

Anh ngồi đốt thuốc, kể chuyện vui buồn nhẹ tênh như khói thuốc tan nhanh trong buổi chiều nhiều gió, mơ hồ, mỏng mảnh mà nghe xót đến váng vất đầu.

Đường đời trúc trắc

Hữu Châu sinh ra trong một đại gia đình nổi tiếng ở đất Sài Gòn. Bà bầu Thơ, người được mệnh danh là “bầu của các ông bà bầu đoàn hát cải lương” chính là bà nội ruột của anh. Bà bầu Thơ còn rất nổi tiếng với câu nói: “Trong nghề này, đứa nào giỏi thì được, không thì thôi. Lập gánh không phải là để lăng xê con cháu”. Và thực tế, thế hệ con cháu của bà bầu Thơ như cố nghệ sĩ Thanh Nga, NSƯT Bảo Quốc và cả Hữu Châu đều từ thực tài mà đi lên và trở thành những cây đại thụ của nghệ thuật sân khấu nước nhà.
img
Hữu Châu sinh năm 1966, là con của nghệ sĩ Hữu Thìn và nữ nghệ sĩ Thanh Lệ. Sau giải phóng, đại gia đình bà bầu Thơ xảy ra biến cố, sự nghiệp, tiền của tiêu tan khiến cuộc sống của Hữu Châu vô cùng khốn khó. Vừa đi học, anh vừa phải làm thêm đủ thứ nghề, nào là cưa cây, bơm xe, mở quầy báo vẫn không đủ để vun vén cho gia đình. Năm 1985 Hữu Châu tốt nghiệp Trường Nghệ thuật sân khấu 2. Ra nghề, được đi diễn những tưởng cảnh nhà sẽ đỡ chật vật hơn, nào ngờ túng thiếu vẫn hoàn túng thiếu.

Bởi thời điểm đó, sân khấu kịch của Việt Nam vẫn chưa khởi sắc, chuyện kiếm được một vị trí hay vai diễn tốt trong một đơn vị hoạt động nghệ thuật đối với một sinh viên mới ra trường như Hữu Châu thật sự là một điều rất khó khăn. Nhưng trời không phụ lòng người, một thời gian sau, Hữu Châu gia nhập đoàn kịch nói Kim Cương, đây cũng là nơi anh thực sự được tỏa sáng khi vai thầy bói trong vở Hoàng tử và con gái lão chăn cừu đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc với khán giả. Sau đó, Hữu Châu tiếp tục chinh phục người hâm mộ bằng những vai diễn trong vở Lá sầu riêng, Nhân danh công lý, Người tình trễ xe...

Mày mò được chút công danh, nhưng cái khó, cái nghèo cứ đeo bám gia đình anh dai dẳng. Hữu Châu kể lại, thuở ấy, hầu như cả ngày anh chỉ được ăn một bữa, mà cũng hiếm khi có cơm, thường là tô cháo đậu xanh ăn với đường tán. Có lần đói quá, bủn rủn tay chân, Hữu Châu xỉu ngay trên sân khấu. Nghệ sĩ Mai Sơn, Thanh Tùng đỡ vào trong, tỉnh dậy đã thấy trên tay có bịch sữa ai đó nhét sẵn vào. Rồi đến đợt gạo thì có, mà thịt cá thì không.
img
Hôm nào cũng vậy, Hữu Châu cùng mẹ thay nhau dậy sớm, đến tiệm mì Trường Thạnh xin tóp mỡ người ta bỏ đi, rồi đem về kho lên ăn với cơm. Lắm lúc, Hữu Châu tưởng rằng mình không thể nào trụ với nghề được nữa. Nhưng nỗi khát khao sân khấu cứ chảy âm ỉ trong anh, bởi bục gỗ này, màn nhung kia từ lâu đã là tim, là máu của anh. Dứt ra thì anh vẫn sống, nhưng sống mòn mỏi, sống mà như không sống, vì như Hữu Châu nói: “Tôi mà nghỉ diễn rồi hỏi đời còn gì vui nữa không”.

Vào khoảng thập niên 90, sân khấu hài miền Nam bắt đầu phát triển mạnh, Hữu Châu cũng nung nấu ý định thử sức với thể loại này. Sau, Hữu Châu gia nhập nhóm hài Bảo Quốc, rồi tự mình lập nhóm hài với Hữu Nghĩa. Từ một nghệ sĩ trẻ mới nổi, hài của Hữu Châu đã trở thành một bản sắc rất riêng, và tên của anh bắt đầu trở thành một thứ “bảo chứng phòng vé”.

Cái duyên hài của Hữu Châu không ở chỗ hoạt náo, nhanh nhảu thường thấy mà nó cứ chậm rãi, cứ nhẩn nha như rót vào tai khán giả. Để rồi, người ta không tài nào nhịn cười trước sự khéo léo trong từng câu từng chữ châm biếm, trước cái nheo mắt, vung tay đúng lúc, đúng chỗ của Hữu Châu. Và cứ thế, hình ảnh Hữu Châu đi vào lòng khán giả, không ồn ào, rầm rộ, nhưng khắc rất sâu và buộc người ta phải nhớ rất lâu.

Nổi tiếng với hài kịch nhưng Hữu Châu vẫn mặn mà hơn với thể loại chính kịch, anh từng tâm sự: "Dù đi tấu hài kiếm được đủ tiền nuôi mẹ nuôi em nhưng tôi vẫn mong được diễn những vai có chiều sâu tư tưởng". Và vai Nguyễn Trãi trong Bí mật vườn Lệ Chi đã đưa tên tuổi Hữu Châu lên tầm đại thụ. Vai Nguyễn Trãi không chỉ là một vai trong một vở, mà là một vai của một đời người.

Nguyễn Trãi của Hữu Châu là ánh mắt tinh anh nhưng đầy u ẩn, là lời nói, cử chỉ thanh tao nhưng đau đáu ưu tư. Cứ như bao nhiêu tinh hoa, bao nhiêu tâm huyết của cả một đời Hữu Châu dành trọn hết cho nhân vật, không cần giữ riêng cho mình một chút gì. Thế nên, dù đã trở thành quá vãng nhưng với khán giả và cả Hữu Châu thì, Nguyễn Trãi trong Bí mật vườn Lệ Chi luôn là vai diễn của cả một đời người.

Mất mát đeo mang

Đường đời trúc trắc, mất mát còn như một thứ nghiệp chướng bám rịt lấy gia đình của Hữu Châu. Cứ như tai ương ở quanh quẩn trên cây, bên lề đường rồi một chiều cả gió vô tình thổi ập tới nhà anh. Mất quá nhiều nên phập phồng cũng nhiều, ám ảnh vương vít vào cơn ngủ, mở mắt ra còn thấy bất trắc lẽo đẽo theo.
img
Cái chết đầy oan khiên của nghệ sĩ Thanh Nga, cô ruột Hữu Châu như báo hiệu cho chuỗi định mệnh nghiệt ngã ám vào vận số của cả gia đình. Một năm sau, anh trai Hữu Châu là nghệ sĩ múa Thanh Hải đột ngột qua đời vì chứng xuất huyết bao tử trên đường lưu diễn. Đầu còn trắng tang anh, thì đến lượt cha Hữu Châu là nghệ sĩ Hữu Thìn lại ra đi bất đắc kỳ tử. Mẹ anh không chịu nổi hai cú sốc quá lớn nên sức khỏe bị ảnh hưởng trầm trọng. Mới 15 tuổi đầu, Hữu Châu đã phải học cách làm quen với nỗi đau mất mát. Nói thì dễ, nhưng có ai đủ can đảm để tự nhận mình đã chai lì với nỗi sinh ly tử biệt đâu. Và Hữu Châu cũng thế.

Rồi bà bầu Thơ, bà nội của Hữu Châu cũng đột ngột ra đi, không lời trăng trối. Hữu Châu kể: “Bà nội là người mạnh mẽ. Ông nội, cô Thanh Nga, ba tôi, anh tôi, những người thân thương nhất của bà cứ thế ra đi đột ngột mà bà không hề khóc. Còn tôi, hay vùi đầu vào bụng bà khóc cho đã thì thôi. Mỗi lần như thế, bà nội thường vuốt tóc tôi rồi nói: “Mình là trụ cột gia đình thì cố để mà không khóc, vì ai cũng khóc thì ai biết dựa vào ai để nguôi ngoai”. Rồi đến lượt bà nội cũng về với đất, thì Hữu Châu đã không còn khóc nữa.

Nhưng mà, “nghiệp chướng” vẫn cứ đeo mang. Khi mọi thứ với Hữu Châu dường như đã vào guồng yên ổn thì mất mát một lần nữa như con thú dữ vồ ập lấy tâm hồn đã chằng chịt vết thương của anh. Nghệ sĩ Hữu Lộc, em trai ruột của Hữu Châu lại đột ngột mất đi khi sự nghiệp đương thời rực rỡ.

Giờ nhắc lại, Hữu Châu kể rất chậm rãi, từ từ cứ như anh sợ vội quá sẽ lỡ đánh rơi một giọt nước mắt đã ngập sẵn trên mi. Anh nói đơn giản thôi, lúc đó chỉ thấy tim đau, và đầu thì trống rỗng. Khi bác sĩ bảo phải phẫu thuật hộp sọ cho Hữu Lộc để cầu sự sống, Hữu Châu đã thấy tim mình như nghẹt thở. Bác sĩ nói với Hữu Châu nếu Hữu Lộc sau phẫu thuật mà không sốt có lẽ sẽ qua khỏi nhưng đêm ấy, Hữu Lộc sốt rất cao…

Hữu Châu gọi đó là nghiệp chướng, nhưng rồi anh ngộ ra, lại coi như là số phận. Bởi theo anh, có một vài người quãng đời ở dương thế chỉ bao nhiêu đó thôi, họ sống hết thời gian rồi lại về. Đời là vô thường, con tạo luôn luôn xoay vần không ngưng nghỉ, biển xanh còn hóa nương dâu huống chi là phần số của một con người. Hữu Châu bảo rằng, bây giờ, không còn điều gì khiến anh đau được nữa. Anh cũng đã hết buồn, và thôi nghĩ về những mất mát chực chờ.

Nắng chiều đỏ úa một góc giảng đường Trường Sân khấu (nơi Hữu Châu đang ngày ngày say sưa truyền lửa, truyền nghề), nắng hắt, Hữu Châu nheo nheo mắt rồi chợt cười, nụ cười nhẹ thôi, mà sao nghe đắng đót.

Anh rít một hơi thuốc dài, khói thuốc váng vất tan nhanh, rồi nói tiếp, giọng nhẹ tênh: “Tôi không khóc được nữa, nhiều người thấy thế chắc đâm ra ái ngại hay khuyên rằng: “Khóc cho nhẹ đi”. Mỗi lúc như thế tự nhiên tôi lại nhớ lời bà nội, “khóc rồi, ai dựa vào ai để nguôi ngoai”.

Ông trời cho tôi nghiệp diễn, lên sân khấu tôi được khóc, được cười, vậy là quá đủ. Tận cùng hạnh phúc là giọt nước mắt, và tận cùng của nỗi đau lại là nụ cười. Đến cách biểu hiện hai phạm trù đối lập là hạnh phúc và khổ đau mà con người còn nhập nhằng đến thế thì tôi… cần chi phải biết là đang khóc cho người hay khóc cho mình”. Nói rồi, Hữu Châu quay đi, giấu vội giọt nước mắt nặng trịch sắp lăn tròn trên má. Là anh khóc cho người hay khóc cho mình đây?…