Dân Việt

“Làm chuồng sau khi mất bò”, bao nhiêu cho đủ?

Tuấn Kiệt 05/11/2013 13:07 GMT+7
Sau vụ chết người tại Phòng khám đa khoa Maria (Hà Nội) năm 2012, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường thanh kiểm tra các phòng khám tư nhân.
Sau vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường gây chết người rồi vứt xác, để lộ nhiều lỗ hổng về quản lý, Bộ Y tế lại tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị nhằm siết chặt hoạt động phòng khám tư...

Tuy nhiên, đánh giá về các động thái “mất bò mới lo làm chuồng” này của Bộ Y tế, một lãnh đạo nhà nước cho rằng, các giải pháp ngắn hạn khi có vụ việc xảy ra là kịp thời nhưng chưa đủ. Để tránh các sai lầm lặp đi lặp lại, Bộ cần phải có các giải pháp quản lý tổng thể, giải quyết triệt để những lỗ hổng về quản lý, giảm thiểu các sai sót không đáng có.

Hiện nay, toàn quốc có hơn 30.000 phòng khám tư. Phòng khám tư thì nhiều, nhưng đội ngũ thanh tra y tế từ T.Ư đến tỉnh, thành phố chỉ có 290 người. Đã thế còn kiêm nhiệm đủ các lĩnh vực, nên việc kiểm tra hơn 30.000 phòng khám tư chỉ là... chuyện nhỏ. Từ T.Ư đến địa phương đều kêu trời là việc nhiều, nhân lực mỏng, chất lượng không đồng đều và đề ra giải pháp “tăng cường đội ngũ thanh tra”.

Tuy nhiên, tại hội nghị ngày 4.11 của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra câu hỏi: “Liệu tăng bao nhiêu cho đủ?”. Vì đội ngũ thanh tra y tế có tăng tới 1.000 người thì việc kiểm tra sát sao cho hết hơn 30.000 phòng khám tư và 35.000 nhà thuốc, để đảm bảo lúc nào họ cũng làm đúng pháp luật, đúng chuyên môn, hoàn toàn không khả thi.

Trong khi phòng khám tư mọc lên như nấm, nhưng lượt người đến khám chữa bệnh cũng không nhiều. Năm 2012, các cơ sở y tế tư nhân đã cấp cứu, khám, chữa bệnh cho khoảng 6,6 triệu lượt bệnh nhân (chiếm khoảng 5% số lượt khám chữa bệnh trên toàn quốc). Đánh giá về chất lượng tại phòng khám tư, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói “chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu”.

Số lượng lớn, quy mô nhỏ, thu hút lượt người khám chữa bệnh không nhiều, trong khi các vấn đề về chất lượng, y đức, giá cả lại quá lớn, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và thanh kiểm tra. Vậy có nên tập trung quá nhiều cho khám chữa bệnh ngoài công lập, để các bác sĩ mở phòng khám quá dễ dàng rồi lại chạy theo giải quyết hậu quả của sự dễ dãi đó? Liệu có cách gì bao quát để không có một con voi to như Thẩm mỹ viện Cát Tường phẫu thuật không phép và vượt qua cả phạm vi cấp phép tồn tại suốt 5 - 6 tháng mà không ban ngành nào phát hiện ra?

Cho nên, nếu cứ tiếp tục các giải pháp chạy theo kiểu “làm chuồng sau khi mất bò” thì sẽ không có cái chuồng nào đủ nhét vừa các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý chồng chéo và “việc ai nấy biết” như hiện nay.