Dân Việt

Những mùa trung thu nhạt phai

30/09/2012 06:41 GMT+7
(Dân Việt) - Một mùa trung thu nữa lại về. Liệu có ai đó đang bước chầm chậm giữa dòng người ồn ã, hối hả nơi phố thị để đi tìm lại giá trị xưa cũ mà dường như bây giờ chỉ còn trong hoài niệm?

Chúng tôi đã lang thang và cố bước chậm trên khu phố bày hàng đồ chơi trung thu truyền thống Hàng Mã (Hà Nội), rồi tìm về những nẻo đường quê để cảm nhận một mùa trung thu mới. Bước chân chậm rãi ấy luôn đi kèm theo những nỗi buồn khi đâu đó quanh mình vang lên tiếng bọn trẻ: “Bố ơi! con thích khẩu súng này”, “Bà ơi! mua cho cháu thanh kiếm kia”... Bây giờ bọn trẻ ưa bạo lực quá.

Chúng tôi đã đi tìm một chút ngày xưa ơi trong sáng khi về các làng nghề sản xuất đồ chơi dân gian. Nhưng rồi cái mà chúng tôi nhận được vẫn là tiếng thở dài đi kèm theo nỗi buồn của các bậc nghệ nhân. Họ đang cố giãy giụa để níu kéo cho lũ trẻ tìm lại được một chút ít tâm hồn trong sáng. Nhưng chắc rằng rồi đây họ cũng sẽ lực bất tòng tâm!

img
Ánh sáng của đèn kéo quân trong đêm trung thu ngày càng tắt dần

Chuyện trung thu ngày đã xa

Ngày trước, lũ trẻ con chúng tôi từ phố thị cho đến các miền quê đều có một tâm trạng háo hức đón trung thu hàng tháng trời. Mỗi cô bé, cậu bé thường tìm cho mình những món đồ chơi tự chế ưa thích. Nếu nhà nào khá giả thì con cái sẽ được chơi đèn ông sao, đèn kéo quân. Còn với nhiều đứa trẻ con nhà nghèo chúng tôi thì có một đồ chơi khác bình dị, nhưng rất có ý nghĩa.

Các cô bé, cậu bé chúng tôi theo mẹ ra các phiên chợ, hàng quán để nhặt hạt bưởi, hạt bòng người ta vứt đi. Nhặt được nhiều rồi, cả bọn lại cùng ngồi bóc vỏ rồi xiên lần lượt những hột nhân ấy vào một sợi dây thép, dây đồng. Đứa nào có nhiều thì được sợi dài, đứa nào có ít thì đành chấp nhận sợi ngắn. Sau đó chúng tôi bắt đầu vứt các sợi dây hạt bưởi ấy lên mái bếp để phơi.

Khi những sợi hạt bưởi đã khô thật rồi thì ngày rằm trung thu cũng vừa tới. Vậy là bọn trẻ lại cùng nhau đem đốt để được ngửi mùi thơm với những tiếng nổ lép bép thật vui tai. Trong ánh lửa thơm mùi tuổi thơ ấy, những cô bé, cậu bé nghèo lại nhìn về phía chị Hằng, chú Cuội trên cung trăng để thầm ước mong, mơ mộng về tương lai đời mình…

Chúng tôi đã cố gắng đi tìm ở khắp các làng quê xem giờ đây còn đứa trẻ nào chơi cái đó nữa không? Nhưng thật đáng tiếc bọn trẻ giờ đây đã thực sự quên mất trò ấy rồi. Thậm chí search trên mạng để tìm một bức ảnh về trò chơi đầy ý nghĩa đêm trung thu ấy, chúng tôi cũng thất bại.

Ngoài mâm cỗ trông trăng trong ngày lễ trung thu được chuẩn bị một cách chu đáo bởi những bàn tay khéo léo của người bà, người mẹ; thì những đồ chơi vô cùng đơn giản được những người ông, người bố làm tặng cho con trẻ là một nét đặc trưng vào những dịp trung thu cổ truyền. Đó là những chiếc đèn ông sao năm cánh dán giấy đỏ, là chiếc mặt nạ bằng bìa bên ngoài vẽ hình nhân vật các em yêu thích trong các tích truyện, là những cái chong chóng, những con chuồn chuồn tre hay là những chiếc đèn kéo quân đơn giản…

Cụ Chu Thị Sơ, năm nay đã 84 tuổi, sống tại Hàng Lược nói với chúng tôi rằng “Ngày xưa làm gì có nhiều đồ chơi, nhiều hàng hóa đẹp mắt như bây giờ. Đứa trẻ nào mà có được cây đèn ông sao là đã hãnh diện, đem đi khoe khắp lũ bạn rồi. Nhưng nghĩ lại, trung thu vì thế mà ấm áp lắm”…

“Nhưng giờ đây, kiếm được một tràng hạt bưởi, hay kiếm những con chuồn chuồn tre trên khắp cả khu phố cổ này là điều không hề đơn giản. Tất cả những thứ đó ngày hôm nay đã trở thành điều vô cùng xa lạ với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở chốn thị thành”, cụ Sơ ngậm ngùi tiếp chuyện.

Trung thu giờ là dịp “bán mua”

img
Bóng dáng của những lồng đèn truyền thống ngày càng mất đi

Cu Hiếu, con nhà hàng xóm ở gần ngõ chúng tôi, mới 9 tuổi vừa được mẹ mua cho khẩu súng đồ chơi tận trên cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Buổi tối hôm ấy thấy chúng tôi sắp đi làm về, cu Hiếu vác khẩu súng nhựa dài gần 1m, hầm hố ra ngõ dọa chúng tôi. Ai thấy cũng đều trố mắt, ngỡ ngàng vì khẩu súng đồ chơi này khá giống với tiểu liên thật.

Vào những ngày này, một điều đáng chú ý là trong số những mặt hàng có xuất xứ từ TQ được bày bán trên khu phố cổ Hà Nội, có một số lượng không nhỏ là những mặt hàng, những trò chơi bạo lực như gươm, giáo, mác, đấm bốc, súng ống các loại.

Theo quan sát của chúng tôi, những mặt hàng này thu hút sự thích thú của những người tham quan và mua sắm, không chỉ là trẻ em mà còn cả người lớn. Đặc biệt trong số đó, găng đấm bốc có lẽ là mặt hàng bán chạy nhất trong năm nay. Chị Huyền, chủ một cửa hàng đồ chơi tại khu chợ phố cổ cho biết “Chỉ mới bày hàng có 3 ngày thôi, nhưng nhận thấy mọi người đặc biệt thích những chiếc găng đấm bốc màu đen này, chúng tôi đã lấy hàng nhiều hơn so với dự kiến, nhưng xem chừng vẫn phải lấy thêm nhiều nữa”.

“Một cái găng đấm bốc có giá 50.000 đồng, trong khi đó chỉ với 5.000 đồng đã có thể mua được 2 cái trống quay nhỏ xíu truyền thống, ấy thế mà hàng trống quay vẫn ế ẩm, trong khi hàng TQ thì bán rất chạy”, cụ Sơ buồn rầu nói. Những mặt hàng xuất xứ từ TQ này thường có mẫu mã đẹp, màu sắc nổi bật, được sản xuất hàng loạt và được bày bán ở những cửa hàng lớn, tại những vị trí trang trọng, thu hút ánh nhìn của những người tham quan và mua sắm.

Trong khi đó, những mặt hàng truyến thống, những trò chơi dân gian của cha ông ta từ bao đời nay lại chìm xuống, nép mình khiêm tốn ở những góc nhỏ. Đấy chính là lý do khiến cho hàng Việt bị lép vế, ngay cả những mặt hàng truyền thống cũng thua ngay trên sân nhà.

Gánh hàng tò he của anh Kiên nằm trên tuyến đường Hàng Mã chỉ chiếm đúng 1m2 diện tích của hè phố, thấp nhỏ dưới cửa hàng đồ chơi vô cùng rực rỡ. Anh chia sẻ “Hàng TQ bao giờ cũng đi cùng với mẫu mã đẹp, mà trẻ con thì thích nhất là đồ chơi đẹp rồi. Ngồi đây suốt nên tôi thấy rõ, hàng TQ bán chạy lắm, trong khi hàng của mình thì ế ẩm”.

Không chỉ là sự lấn át của mặt hàng, đồ chơi bạo lực có xuất xứ từ TQ mà những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta cũng ngày có nhiều biến tướng vào những dịp lễ hội trung thu. Trung thu là tết thiếu nhi, nhưng những người làm cha làm mẹ ngoài mua quà cho thiếu nhi thì còn phải chi tiền để mua quà trung thu cho sếp, cho cấp trên.

Chị Hòa, một công nhân viên chức tiết lộ: “Tặng quà trung thu cho sếp thì ngoài quà bánh bình thường, còn phải đi phong bì. Mức thông thường, có thể coi là thấp nhất sẽ khoảng 500.000 đồng, còn tùy vào từng trường hợp thì cũng không có một mức cố định nào cả”.

Và những loại “quà bánh trung bình” mà chị Hòa nhắc đến cũng ở những mức giá hoàn toàn khác nhau, nhiều khi đấy có thể là những hộp bánh trung thu được đặt riêng sang trọng, mà số tiền bỏ ra mua hộp bánh đấy không dưới con số tiền triệu.

Nỗi buồn của những nghệ nhân

img
Nghệ nhân Quyền và đồ chơi xà đơn, xà kép

Với chúng tôi nỗi buồn về mùa trung thu với những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ, chơi đồ chơi bạo lực bây giờ chỉ là 1 còn với các nghệ nhân của làng nghề làm đèn kéo quân Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội sẽ là 10.

Chúng tôi về thôn Đàn Viên, xã Cao Viên để tìm lại những nghệ nhân còn đang cố gắng giữ gìn nghề xưa, văn hóa cũ cho trung thu. Nhưng cứ hỏi đường một ai đó, thì y như rằng chúng tôi nhận được ánh mắt nhìn đầy khó hiểu. Chắc họ đang nghĩ mấy chàng trai, cô gái chúng tôi thuộc dạng “dở người”, vì Đàn Viên giờ chỉ còn duy nhất 2 người làm đèn kéo quân chứ làm gì còn cái danh làng đèn kéo quân nữa. Nhưng hai nghệ nhân này cũng chỉ làm theo đơn đặt hàng của vài quán cà phê hoặc Viện Bảo tàng dân tộc.

Thôi thì chúng tôi đành chấp nhận cái tiếng “dở người” đi tìm nét văn hóa cổ lỗ sĩ vậy. Cuối cùng sau rất nhiều ngã rẽ, hỏi han chúng tôi cũng tìm được nhà nghệ nhân già Nguyễn Văn Quyền. Ông Quyền năm nay đã 74 tuổi.

Thấy mấy người trẻ tìm mình, nghệ nhân Quyền cũng ngạc nhiên lắm. Nhưng rồi khi biết lý do, ánh mắt ông rất vui, như đang sáng lên một niềm tin hy vọng gì đó thật lạ kỳ. Ông bỏ cả bữa trưa để vừa làm đèn kéo quân, vừa tiếp chuyện chúng tôi.

Ông Quyền bảo: "Ngày xưa lũ trẻ chúng tôi nghèo làm gì có tiền để ra Hà Nội mua đồ chơi trung thu. Cả bọn ở vùng quê này thường cùng nhau đi kiếm tre, nứa và những trang giấy bỏ đi để làm đèn kéo quân chơi đêm rằm".

Vậy là thoắt cái đã hơn 60 năm, nghệ nhân Quyền gắn bó với chiếc đèn kéo quân. Không chỉ làm đèn kéo quân rất siêu mà nghệ nhân Quyền còn biết làm mọi đồ chơi dân gian. Không để chúng tôi chờ đợi, nghệ nhân đã lấy ngay một đồ chơi rất thú vị ra biểu diễn cho chúng tôi xem. Chúng tôi chẳng biết gọi tên nó là gì. Thấy các bạn trẻ khó hiểu, nghệ nhân cho biết: “Đây là đồ chơi con lật đật, nhưng bây giờ tôi gọi nó là xà đơn, xà kép”.

Quả thực khi vừa được nghệ nhân Quyền biểu diễn xong, cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi đã rất thích thú mượn để chơi ngay. Thật ra đồ chơi này chỉ làm bằng mấy thanh tre hết sức đơn giản, nhưng khi chơi ta thấy rất hay và thích tay.

Có được niềm vui trong giây lát khi mấy người trẻ tìm về với mình, ông Quyền lại buồn bã kể cho chúng tôi nghe chuyện đèn kéo quân thời nay. Ông bảo, chả còn ai sống được bằng nghề làm đèn kéo quân nữa cả. Cả làng tôi bỏ hết rồi. Năm nay gia đình tôi được Viện Bảo tàng dân tộc đặt 50 chiếc, trong đó làm hoàn chỉnh 20 chiếc, mang nguyên liệu của 30 chiếc lên Hà Nội dạy học sinh.

Ông buồn bã cho biết thêm: “Dạy học sinh thì chúng cũng hào hứng học lắm, nhưng được 1 buổi rồi lại thôi. Những đứa trẻ say mê và thực sự muốn học để biết làm giờ đây ít lắm. Thậm chí bọn trẻ ở làng này cũng chẳng còn ai muốn làm để bán, để chơi nữa. Nếu mai này tôi mất đi chắc nghề làm đèn kéo quân trung thu này cũng thất truyền luôn”.

Lời của nghệ nhân Quyền quả thực đúng, bởi có làm ra cũng rất khó bán, dù giá thành một chiếc đèn nhỏ chỉ khoảng 150.000 đồng. Nghệ nhân bảo rằng vì đam mê nên vẫn làm, vẫn đi dạy lũ trẻ cũng chỉ để mong sao níu kéo lại cho chúng một chút tâm hồn trong sáng, hướng về văn hóa truyền thống và xa rời những đồ chơi bạo lực đang tràn lan trên thị trường.

Ở Đàn Viên, ngoài nghệ nhân Quyền có thâm niên làm đèn kéo quân, đồ chơi dân gian trung thu thì còn có một nghệ nhân khác. Ông là Vũ Văn Sinh, người đã từng giữ kỷ lục làm ra chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam năm 2006. Chiếc đèn kéo quân của nghệ nhân Sinh làm ra mùa trung thu 2006 có chiều cao 6,7m và đường kính rộng 2,7m, có nghĩa gần bằng căn nhà hai tầng.

Kinh phí để làm ra chiếc đèn kéo quân khổng lồ này nghệ nhân Sinh cho biết phải cả chục triệu đồng (đó là số tiền khá lớn khi ấy). Nhưng rồi đèn làm ra cũng chỉ là để đơn vị chủ quản đăng ký kỷ lục Guinness Việt Nam. Sau khi xác lập kỷ lục rồi, đèn bị vứt xó ngoài trời mưa, nắng. Cuối cùng nghệ nhân Sinh và mọi người đành đem về làng phá làm củi đun.

“Bây giờ làm gì còn mấy ai chơi đèn kéo quân đêm trung thu nữa đâu. Cứ đến mùa thu trung, vài cơ quan chức năng lại tổ chức ở bảo tàng hoặc một số trường lớp học làm đèn. Nhưng tổ chức kiểu phong trào, thực sự không đi vào đời sống dân chúng, không tạo được thích thú cho bọn trẻ khắp nơi cùng làm, cùng chơi thì cũng chẳng ăn thua gì đâu…”, ông Sinh trăn trở.

Chẳng lẽ những mùa trung thu với vầng trăng cổ tích, cùng nhiều đồ chơi dân gian đã thực sự tàn phai và biến mất rồi sao?

Theo Thế giới & Hội nhập