Dân Việt

Cần miễn giảm ngay các khoản đóng góp

Dương Trí Thức 14/08/2013 06:40 GMT+7
Hiện nay tình trạng nông dân bỏ ruộng không còn hiếm ở tỉnh Hà Tĩnh. Có hộ bỏ hẳn không sản xuất cả 2 vụ, có hộ chỉ sản xuất vụ chính (vụ đông xuân). Có hộ phải mướn lại ruộng để sản xuất, nhưng cũng có nhiều ruộng bị bỏ hoang.
Theo số liệu điều tra tại một cơ sở cho biết, năm 2013 có 21% số hộ không sản xuất vụ xuân, 53% số hộ không muốn làm ruộng.

Đặc biệt, trong vụ đông xuân và hè thu vừa qua, có hàng chục hộ nông dân xã Trường Lộc (huyện Can Lộc) đã viết đơn trả lại ruộng cho UBND xã. Ông Hoàng Mạnh Hùng - Trưởng thôn Tân Tiến, xã Trường Lộc cho biết: “Vụ đông xuân 2013 có hơn 15 đơn của nông dân trả ruộng, vụ hè thu tiếp tục có hơn 10 đơn xin trả ruộng”.

Chị Nguyễn Thị Nga (thôn Phúc Trường, xã Trường Lộc) là 1 hộ được đánh giá có trình độ thâm canh lúa giỏi của thôn, trước đây có vụ chị từng mượn hơn 2ha đất của các hộ không canh tác để làm lúa. Thế nhưng năm nay không những chị trả hết số ruộng mượn, mà còn trả phần lớn diện tích ruộng được chia của gia đình. Chị nói, trả ruộng để cho chồng đi tìm kiếm việc gì đó để làm, nếu cả hai vợ chồng ở nhà làm ruộng thì không thể có tiền nuôi các con ăn học.

Không riêng gì xã Trường Lộc, xã Thuận Lộc - xã nông nghiệp duy nhất của thị xã Hồng Lĩnh, có hệ thống nước tưới thuận lợi (ở đầu nguồn nước tưới), ruộng đất màu mỡ, thế nhưng có nhiều người bỏ ruộng hoang.

Theo ông Đào Nghĩa Nhuận - Phó Chủ tịch Hội Khoa học và kỹ thuật nông nghiệp Hà Tĩnh, chi phí để sản xuất 1 sào ruộng (sào Trung Bộ 540m2) hiện nay hết 1,5 triệu đồng, nếu sản lượng thu được 2,7 tạ, với giá lúa như hiện nay, người nông dân chỉ lãi được 100.000 đồng/sào, trong khi đó có hàng chục khoản phí khác được thu theo đầu sào và theo hộ khá cao, bình quân 1 triệu đồng/năm (mặc dù Nhà nước đã có chính sách miễn thuế nông nghiệp).

Từ đó, theo ông Nhuận, để giải quyết vấn đề người nông dân trả ruộng, trước hết cần miễn giảm ngay các khoản đóng góp của dân theo đầu sào, theo hộ. Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách trợ giá phân bón cho nông dân, trợ giá tận gốc để nông dân được hưởng lợi. Thứ ba, Nhà nước và người dân phải chú trọng đầu tư, áp dụng KHKT vào sản xuất lúa để nâng cao năng suất, sản lượng.