Việt Nam đang dư thừa lúa gạo, giá trị hạt gạo ở mức thấp, khiến thu nhập của nông dân bấp bênh. Trong khi đó, hàng năm chúng ta vẫn phải chi khoảng 3 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu nành, lúa mỳ.. Làm sao để khắc phục tình trạng mất cân đối này? Loạt bài của NTNN sẽ đi tìm lời giải đáp.
Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Quốc hội đã có Nghị quyết về việc giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Tuy nhiên, theo khẳng định của Chính phủ, Bộ NNPTNT, các địa phương có thể sử dụng linh hoạt đất lúa tùy thuộc vào điều kiện, lợi thế của từng vùng.
Chọn cây trồng có lợi thế thị trườngPhát biểu tại hội nghị toàn quốc triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp hôm 27.9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Trong lĩnh vực trồng trọt, chúng ta phải linh hoạt sử dụng diện tích đất lúa.
Hiện nay chúng ta có 4 triệu ha đất lúa, nhiệm vụ đặt ra là phải giữ 3,8 triệu ha đất cho sản xuất lúa, số còn lại có thể đưa vào sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế về giá bán để tăng thu nhập cho nông dân trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác. Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi cần tận dụng nguồn nguyên liệu từ gạo chế biến thức ăn chăn nuôi, giảm áp lực nhập khẩu các loại nguyên liệu hiện nay như ngô, đậu tương...”.
Cây ngô đang mang lại thu nhập khá cho nông dân Sơn La.
TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng cho rằng: “Trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp hiện nay, ai sản xuất cái gì, trồng cây gì tất cả phụ thuộc vào thị trường. Trong cả nước, chúng ta có thể khoanh ra các vùng sản xuất lớn như ở ĐBSCL thì thuận lợi cho sản xuất lúa, Tây Nguyên thuận lợi làm cà phê robusta…”.
Tuy nhiên, theo TS Sơn, Nhà nước nên xác định cân đối chính xem lúa bao nhiêu là vừa, mía bao nhiêu là vừa, ngô bao nhiêu là vừa... Việc xác định cân đối phụ thuộc vào giá, nếu giá sản xuất của mình cao hơn thế giới, tốt nhất là nhập. Ngược lại, nếu giá của mình thấp dưới giá thế giới, tốt nhất là xuất khẩu và tiếp tục mở rộng sản xuất.
Tóm lại, theo ông Sơn, Nhà nước cần chỉ ra những vùng có lợi thế như thế nào để tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra vùng chuyên canh lớn, còn những việc còn lại cứ để cho dân và doanh nghiệp họ làm. “Chúng ta không thể khoanh cứng vùng này chỉ được trồng cây này, vùng kia chỉ được trồng cây kia, mà phải phụ thuộc vào thị trường, giá cả đầu ra” - TS Sơn nói.
Trước đó, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tài kỳ họp diễn ra tháng 6 vừa qua, về việc chúng ta đang quá dư thừa lúa, cần phải làm gì để nâng cao thu nhập cho người nông dân bằng những cây trồng khác, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát khẳng định:
“Nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản là mục tiêu quan trọng của quá trình hiện đại hóa nông nghiệp. Những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này, trước hết chúng ta cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản xuất để tập trung vào những mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời, phải tiếp sức cho nông dân bằng việc tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là về giống, xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, khuyến khích phát triển bảo quản chế biến bằng công nghệ hiện đại đem lại giá trị gia tăng cao; tổ chức lại sản xuất để hình thành các chuỗi kết nối người sản xuất với thị trường trong và ngoài nước”.
Sản lượng ngô sẽ đạt 8,5 triệu tấnCũng theo ông Phát, mặc dù chúng ta có chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất lúa, nhưng cơ cấu cây trồng trên diện tích đó phải được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu của thị trường. Không nhất thiết trên đất lúa là phải trồng lúa mà có thể trồng những cây trồng khác có thị trường và đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Còn những diện tích trồng lúa cần phải được quy hoạch, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân sản xuất bằng những giống với chất lượng cao hơn với những quy trình tiến độ đảm bảo nông dân có năng suất cao hơn và giá thành thấp hơn.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện Bộ NNPTNT đang gấp rút phối hợp với Bộ TNMT soạn thảo để sớm ban hành Thông tư hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa.
|
Trao đổi với NTNN, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Chúng tôi đang thực hiện việc rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các địa phương để phối hợp triển khai thực hiện, trong đó có việc hướng dẫn bà con nông dân phát huy lợi thế của địa phương mình để tập trung vào sản xuất các loại nông sản có thị trường, có hiệu quả cao hơn để có thu nhập cao hơn. Theo đó, một số địa phương có thể chuyển từ trồng lúa có hiệu quả thấp sang trồng ngô, đậu tương... có hiệu quả cao hơn.
Ông Phát cũng khẳng định: “Vừa qua, tôi đã chỉ đạo Cục Trồng trọt cũng như các đơn vị liên quan rà soát lại quy hoạch các cây trồng, vật nuôi trên phạm vi toàn quốc và thảo luận với các địa phương cụ thể hóa ở từng địa bàn, làm cơ sở để hướng dẫn cho bà con nông dân chuyển đổi. Mặt khác, Nhà nước cũng sẽ có những chính sách, biện pháp hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi có hiệu quả. Bộ NNPTNT đang gấp rút phối hợp với Bộ TNMT soạn thảo để sớm ban hành Thông tư hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa”.
Cũng theo ông Phát, mục tiêu của chuyển đổi là thu nhập của người nông dân chứ không làm theo số lượng chỉ tiêu. “Ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ sẽ là vấn đề trọng tâm, đột phá trong tái cấu trúc, bởi dư địa trong khâu chế biến ở các ngành sản xuất còn nhiều, để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đây cũng là giải pháp quan trọng tăng thu nhập cho người nông dân, xóa đói giảm nghèo và giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững”- ông Phát nói rõ thêm.