Không chút hấp dẫnTrong khi phim hoạt hình ngoại vẫn làm mưa làm gió ở các rạp chiếu, thu hút sự chú ý không chỉ đối tượng khán giả nhí mà cả độ tuổi thanh niên, trung niên, thì phim hoạt hình Việt Nam vẫn ngậm ngùi chịu cảnh lạnh lùng. Lý do chính được nhắc đã khá nhiều năm nay là do phim hoạt hình Việt Nam nội dung không hay và cách thể hiện cũ kỹ, thiếu sức hấp dẫn.
Sau một thời gian dài loay hoay với một số chuyện dân gian quen thuộc, nhân vật thì đơn giản và khô khan, thiếu sức sống, na ná giống nhau; ít sự cách điệu và mang nặng tính giáo dục triết lý..., hoạt hình Việt đã hoàn toàn khuất phục trước sự phát triển ngày càng lớn mạnh của công nghệ hoạt hình thế giới cũng như tốc độ thay đổi chóng mặt của hàng loạt kênh hoạt hình quốc tế như Cartoon Network, Disney Channel...
Cảnh trong phim “Càng to càng nhỏ”.
Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, sự khan hiếm kịch bản không hẳn là do các nhà biên kịch đã hết “chất” trẻ con, mà do họ không chịu đầu tư tìm hiểu xem trẻ con thích gì, cần gì, nghĩ thế nào và ứng xử ra sao với cuộc sống, với các mối quan hệ của trẻ.
Muốn có kịch bản, tác phẩm phim truyện hay hoạt hình cho trẻ, theo bà Nhã, trước khi bắt tay làm phim, công chiếu bộ phim đó cần có sự “mổ xẻ” của trẻ chứ không chỉ người lớn, vì thế tính tương tác trong kịch bản hoạt hình cũng đòi hỏi cao hơn hẳn những thể loại khác. Tính triết lý quá nặng, giáo điều thô cứng chỉ thích hợp ở thời điểm cách đây 50 năm cùng những lời thoại nhạt nhẽo được lồng tiếng một cách thô sơ, đơn điệu cũng là nhân tố khiến hoạt hình Việt ngày càng khó tiếp cận được với khán giả.
Vậy làm thế nào để có thể vực dậy công nghệ sản xuất phim hoạt hình trong nước? Ông Đặng Vũ Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết: “Để tạo được dấu ấn về hoạt hình “made in Việt Nam” với ngay khán giả trong nước trong thời điểm này quả là nhiệm vụ bất khả thi”.
Theo ông Thảo, ở thời điểm này, dù chúng ta có nhiều máy móc tốt, có nhà xưởng khang trang nhưng chưa có nhân lực đủ tài giỏi, chưa có những nghệ sĩ được đào tạo đến nơi đến chốn thì chưa thể có những tác phẩm như mong muốn.
“Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ khó có thể đòi hỏi đội ngũ chuyên nghiệp hơn khi cả năm một hãng lớn như Hãng phim Hoạt hình Việt Nam chỉ sản xuất hơn 10 đầu phim với tổng thời lượng dưới 200 phút thì họ lấy đâu môi trường để rèn giũa” - ông Thảo tâm sự.
Thêm nữa, để làm một bộ phim hoạt hình trong 10 phút với nhân lực hiện có, hãng phải tốn 8-10 tháng, thậm chí lên đến 12 tháng. Xem ra cuộc đấu tay bo với phim hoạt hình nước ngoài dường như là nhiệm vụ bất khả thi với các bộ phim hoạt hình Việt Nam vốn chỉ được đầu tư với kinh phí thấp. Do vậy, nói rằng thị trường phim truyền hình Việt Nam bị phim hoạt hình nước ngoài “nuốt chửng” cũng không sai.
Khó tìm khán giả
Ở các mùa giải trao thưởng của loại hình nghệ thuật thứ bảy - điện ảnh, phim hoạt hình hầu như lần nào cũng đoạt giải. Điển hình ở giải Cánh diều Vàng 2012 có phim “Càng to càng nhỏ”, “Trần Quốc Toản”, “Bù nhìn rơm”; trước đó ở Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 2 (cuối tháng 12.2012) phim “Bò vàng” nhận giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo và phim này một lần nữa được vinh danh tại Liên hoan phim Việt Nam vừa tổ chức ở Quảng Ninh tháng 10 vừa qua. Thế nhưng khán giả chẳng có nhiều cơ hội để được xem những bộ phim hoạt hình - “món ăn” nghệ thuật ưa thích nhất, kể cả ở rạp và trên truyền hình.
Nếu cứ tiếp tục theo đuổi dòng phim hoạt hình ngắn mà không tính đến thị hiếu của người xem, tính đến các yêu cầu kỹ thuật của thị trường thì cánh cửa đến với các rạp sẽ chưa thể mở rộng được.
|
Trăn trở về câu chuyện đưa phim đến với khán giả, ông Đặng Vũ Thảo tâm sự: “Từ thời xóa bỏ bao cấp thì phim hoạt hình gần như mất hẳn đầu ra. Chưa kể đến chuyện kinh doanh mà thậm chí biếu không nhà đài và các rạp chiếu bóng, họ cũng không nhận bởi hoạt hình thì chỉ dành cho trẻ con mà đây lại là đối tượng không tự quyết định việc mua vé”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Danh Dương- Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia lại không đồng tình với quan điểm này. Theo ông Dương, hoạt hình ngày nay không chỉ còn là phim cho trẻ em. Nó đã dần trở thành món quà tinh thần cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với những người say mê điện ảnh. Thực tế, thời gian qua, rất nhiều phim hoạt hình đã liên tục thống trị trên các rạp chiếu bóng trong nhiều tuần. Sức hút của hoạt hình đã đem lại cho các công ty phát hành, các rạp chiếu những khoản thu khổng lồ chứ không chỉ đơn thuần làm sinh động, phong phú thêm suất chiếu.
Có thể khẳng định, sau nhiều năm loay hoay, hoạt hình trong nước vẫn không thể tìm đường ra rạp vì vấn đề thời lượng. Thông thường một phim chiếu để bán vé ngắn nhất phải có độ dài 85 phút, trong khi đó phần lớn phim hoạt hình của chúng ta chỉ có độ dài trên dưới 15 phút thì không biết bán vé thế nào cho phù hợp.
Vài năm trước, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam triển khai việc in băng, đĩa để bán nhưng hướng này cũng không khả thi, bởi lập tức bị in sao lậu. Gần đây, hướng đi mới là hợp tác khai thác kho phim được ký với 3 nhà mạng điện thoại lớn trong nước. Cùng đó, một số phim được đưa lên Internet, một số khác đang sẵn để khai thác cho phòng chiếu mới đầu tư tại chính trụ sở tại Hà Nội… Nhưng xem ra đó chỉ là những giải pháp tình thế nên giấc mơ đưa hoạt hình Việt Nam ra rạp chắc vẫn còn rất xa vời.