Em sinh ra và lớn lên ở một bản nằm chênh vênh bên vách núi, bốn mùa mây trắng. Ngay từ khi mới chập chững biết đi, em đã phải tự lo cho bản thân và chăm sóc các em nhỏ hơn để bố mẹ rảnh rang vào rừng kiếm rau, chặt măng; lên nương trồng ngô, tra đỗ, lo cái ăn cho cả nhà.
Lên 7 tuổi, may mắn hơn nhiều bạn cùng lứa, em được đi học lớp 1 dù đôi khi phải cõng cả em bé út đi theo. Lớp cắm bản cách nhà gần nửa giờ đi bộ, cô giáo người miền xuôi phải cùng một lúc dạy 3 lớp ghép (1, 2, 3).
"Được đến lớp không chỉ là niềm vui mà còn là một niềm vinh dự lớn vì những người chị, người anh trong bản đều phải lo mưu sinh rồi lập gia đình từ rất sớm. Có học thì mai này mới mong thoát ra được những dãy núi đá trập trùng..." - chúng em vẫn thường dặn nhau như thế.
Vậy mà lên đến lớp 4, các bạn bỏ học gần hết. Trường cấp I, II cách bản 16 cây số, em và mấy bạn ở bản khác không thể về nhà mỗi ngày nên rủ nhau ở lại lán trọ cạnh trường. Đó là túp lều lợp tạm bợ bằng lá cọ, liếp nứa thủng tứ tung được vá bằng những mảnh vải, mảnh chăn, mảnh áo mưa. Mùa hè còn dễ chịu, chứ mùa đông chúng em chỉ có những tấm chăn mỏng, đêm gió lùa hun hút qua những khe vách hở.
Không có bố mẹ bên cạnh, chúng em phải tự nhóm lửa, thổi cơm, gùi nước về sinh hoạt, tắm giặt và học cách chăm sóc nhau khi ốm. Nồi cơm tập thể có khi khê, lúc lại nhão, thức ăn thường chỉ có canh rau rừng, muối trắng, hôm nào sang thì có cá khô, nhưng khi đã túm tụm nhau lại, đứa cầm thìa, đứa bốc cơm thì bữa ăn trở thành vui vẻ, đầm ấm lắm. Bố mẹ bận lên nương nên cứ cuối tuần là chúng em lại về nhà lấy gạo. Cơm nguội trộn muối cho vào túi bóng để ăn dọc đường, khát đã có nước dưới khe, lỡ gặp mưa bất chợt thì cả bọn chạy ù vào hẻm núi.
Thương cha mẹ cả đời đói nghèo, cơ cực như đá núi, chúng em bảo nhau, dù hoàn cảnh thế nào cũng phải học được thật nhiều cái chữ. Chỉ có cái chữ mới "cõng" được chúng em vượt qua núi đá để mai này trưởng thành quay về xây dựng bản làng mình ấm no hơn...
Vinh Minh (ghi)