Ông Đặng Văn Túc ở thôn 8 là người đầu tiên đưa bưởi Diễn về trồng ở xã Quý Quân (Yên Sơn, Tuyên Quang).
Vốn quê gốc ở Hà Tây (nay thuộc địa bàn Hà Nội), năm 2008, trong lần về thăm quê ông được anh em họ hàng giới thiệu, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi Diễn. Thấy trồng bưởi Diễn là hướng phát triển kinh tế mới ở Yên Sơn, ông quyết định đưa giống bưởi Diễn lên trồng. Đây thực sự là quyết định táo bạo khi chuyển đổi cây trồng từ ngô, khoai, sắn sang trồng bưởi Diễn bởi trên địa bàn xã lúc đó chưa có gia đình nào làm như vậy.
Nhờ cần mẫn, chịu khó học hỏi, và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của huyện tổ chức đến năm 2011, những trái bưởi đầu tiên cho thu, giúp ông niềm tin để mở rộng diện tích bưởi Diễn. Hơn 7 năm trồng bưởi Diễn, hiện ông có vườn bưởi rộng gần 8.000m2 với 800 gốc, chủ yếu bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo ông Túc, ưu điểm của bưởi Diễn vỏ quả màu vàng tươi, bưởi sau khi thu hái có thể để 15 - 20 ngày mà quả vẫn tươi; múi mọng nước. Chính vì vậy, bưởi Diễn bán rất được giá. Trung bình mỗi vụ, ông thu hoạch trên 10.000 quả, thương lái tới tận nhà thu mua với giá 12.000 - 15.000 đồng/quả, mỗi năm đem về cho gia đình ông trên 110 triệu đồng. Ưu điểm của giống bưởi này dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, trồng 3 năm là cho thu, giá bán ổn định.
Về dự định của mình, ông Túc cho biết, tới đây ông tiếp tục trồng thêm 200 gốc nâng số gốc bưởi trong vườn lên 1.000 gốc.
Nhận xét về mô hình trồng bưởi Diễn của gia đình ông Túc, ông Mai Xuân Bắc- Trưởng thôn 8 cho hay: “Nhiều hộ trong thôn, trong xã đã đến nhờ ông Túc hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi Diễn. Đây là cây trồng mới giúp bà con trong thôn, trong xã thoát nghèo, làm giàu.