Xưa nay ta thường nuôi loại bò vàng (hay còn gọi là bò cóc). Đó là loại bò địa phương, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, chịu được kham khổ, chống bệnh tốt, thành thục sinh dục sớm và mắn đẻ. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của loại bò này là tầm vóc quá nhỏ bé, khối lượng thấp. Trung bình bò cóc nặng khoảng 160-200kg/con, nhưng tỉ lệ thịt xẻ lại thấp, chỉ được khoảng 40-42%.
Vì vậy, ngành nông nghiệp có chủ trương cải tạo đàn bò thịt để nâng sản lượng thịt bò lên.?Chúng ta đã nhập về nhiều giống bò như Red Sindhi, Brahman hoặc Sahiwal. Chúng được lai với bò cóc nhằm tạo ra giống bò tốt hơn.
Phong trào “Sind hoá” đàn bò diễn ra rầm rộ ở nhiều nơi. Bò lai Sind là kết quả tạp giao giữa bò Red Sindhi với bò vàng. Loại bò này có đầu hẹp, trán gồ, tai to và cụp xuống và yếm rất phát triển, u vai nổi rõ, lưng ngắn, ngực sâu, mông dốc. Con đực bình quân đạt 400-500kg, con cái khoảng 250-350kg. Chúng có khả năng chống chịu bệnh tật tốt, thích nghi với khí hậu nóng ẩm và chịu được kham khổ.
Để phát triển được đàn bò lai Sind, có một việc cần thực hiện nghiêm túc là bằng mọi cách phải loại tất cả bò cóc đực. Nếu để chúng “nhảy” với bò cái thì việc Sind hoá mất hết ý nghĩa, đàn bò lại trở về với điểm xuất phát. Nhiều địa phương đã thưởng cho các gia đình chủ động thiến bò cóc. Việc này rất nên làm và cần làm triệt để trong toàn vùng.
Gần đây, Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn của Hà Nội giới thiệu giống bò Droughtmaster. Họ dùng nó để lai với con bò lai Sind. Kết quả rất mỹ mãn. Con lai 6 tháng tuổi đã có thể nặng tới 2 tạ! Nuôi tới khi trưởng thành thì đạt tới 7-8 tạ.
Khi sang thăm Trung Quốc, tại Trường Đại học Nông nghiệp Quảng Tây (tỉnh sát với nước ta), chúng tôi đã thấy có con Droughtmaster nặng tới 1.200kg! Rõ ràng, cùng một công nuôi, nếu ta chọn được giống tốt, hiệu quả sẽ gấp hai, gấp ba lần! Vì vậy, bà con nông dân phải hết sức chú ý tới khâu này.
Chúng tôi đã liên hệ và được biết, Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn Hà Nội, cấp miễn phí tinh cho bà con ở ngoại ô có nguyện vọng phối cho bò.?Cán bộ kỹ thuật sẵn sàng đến tận nhà bà con để phối giúp.
Bà con nên tổ chức đi tham quan và mạnh dạn liên hệ để có được giống bò thịt ưu tú. Mọi vấn đề có thể trao đổi trực tiếp với Trung tâm ở số 102 Tô Hiệu, quận Hà Đông, TP Hà Nội, hoặc qua điện thoại của Giám đốc Tạ Văn Tường (0903.277.648).
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng