Đó là những con số mà Hội đồng Dân tộc đưa ra trong báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trước Quốc hội ngày 8.11.
Tuyên truyền đậm...Thực hiện Chương trình hoạt động năm 2013, trong quý III/2013, Hội đồng Dân tộc tổ chức giám sát chuyên đề “Kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng DTTS, từ năm 2010 - 2013” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27.11.2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956).
Dạy nghề thêu cườm cho người Xa Phó.
Báo cáo của hội đồng đánh giá cao hoạt động tuyên truyền bởi đã được tổ chức qua các kênh phát thanh, truyền hình phủ sóng toàn quốc (VTV1, VTV2, VTV5, VOV1...) và các cơ quan truyền thông thực hiện các số chuyên đề, phóng sự về đào tạo nghề cho nông dân. Ngoài ra, một số tỉnh biên soạn các bộ tài liệu tuyên truyền Đề án 1956; phát hành các ấn phẩm, tờ rơi với nội dung, hình thức phù hợp cho đồng bào DTTS, miền núi. Cụ thể như Thừa Thiên – Huế phát 12.000 tờ rơi, Đăk Lăk 267.000 tờ, Quảng Nam hơn 86.000 tờ và 12.600 cuốn cẩm nang.
Điều đáng chú ý là hoạt động này bước đầu đã huy động được kinh phí từ nguồn xã hội hóa với số tiền trên 2,5 tỷ đồng. Trong khi nhiều tỉnh vẫn trông chờ 100% hỗ trợ của đề án khi tổ chức lớp học thì đã có 4 tỉnh thu từ nguồn đóng góp của người học nghề là hơn 837 triệu đồng, trong đó có 3 tỉnh miền núi, ven biển còn khó khăn là Lào Cai, Sơn La, Quảng Trị. Trong 2 tỉnh có kinh phí hỗ trợ từ các doanh nghiệp được hơn 1,6 tỷ đồng?cũng có 1 tỉnh miền núi là Điện Biên.
Vẫn còn nhiều quan ngạiTheo báo cáo, tổng số nông dân được học nghề từ 2010 tới nay là 886.621 người, trong đó lao động dân tộc thiểu số là 223.792 người, chiếm tỷ lệ 25,24%.
Báo cáo của Hội đồng Dân tộc cũng đánh giá hệ thống trường nghề phục vụ nông dân DTTS đã bước đầu được đầu tư bài bản gồm 1 Trường Cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên và 10 trường trung cấp nghề dân tộc nội trú; đầu tư xây dựng 2 khoa Dân tộc nội trú tại Trường Cao đẳng nghề Hòa Bình và Sóc Trăng; đầu tư hỗ trợ xây dựng ký túc xá, trang thiết bị dạy nghề cho các trường trung cấp, cao đẳng nghề của một số tỉnh.
|
Tuy nhiên, qua giám sát và tổng hợp số liệu báo cáo của 32 tỉnh cho thấy nông dân tự tạo việc làm sau khi học nghề chiếm tỷ lệ cao 63,1%; đặc biệt lao động học nghề nông nghiệp tự tạo việc làm chiếm tới 87,74%. Điều đó có nghĩa lao động học nghề nông nghiệp và làm chính công việc cũ của mình hoặc chuyển đổi cây trồng mới nhưng chưa đánh giá được hiệu quả về thu nhập.
Kết quả đào tạo nghề dưới 1 năm của 26 tỉnh có đông đồng bào DTTS cũng cho thấy số lao động trong độ tuổi học nghề dưới 1 năm chỉ chiếm tỷ lệ 5,73%, đào tạo trình độ trung cấp nghề của 21 tỉnh có đông đồng bào DTTS chỉ chiếm tỷ lệ 0,48% so với tổng số lao động DTTS (18.641/3.887.043 người). Kết quả đào tạo trình độ cao đẳng nghề của 16 tỉnh có đông đồng bào dân tộc còn “bi đát” hơn: Chỉ chiếm tỷ lệ 0,17% so với tổng số lao động DTTS (6.016/3.445.927 người).
Từ thực tế này, Hội đồng Dân tộc nhận định, lao động DTTS được đào tạo chủ yếu là tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sản xuất (dưới 3 tháng). Đối với vùng đặc biệt khó khăn, đề án chưa hướng dẫn và lồng ghép với các chính sách, các chương trình khác. Ở các trường cao đẳng và trung cấp nghề, việc thực hiện chính sách ưu tiên, hỗ trợ (cho 5 đối tượng theo đề án) chủ yếu chỉ áp dụng với số học nghề dưới 3 tháng, còn lại cơ bản là làm dịch vụ (người học phải trả đầy đủ học phí). Vì thế, lao động DTTS còn chưa tiếp cận được với bậc học nghề cao hơn.
Từ báo cáo giám sát này, Hội đồng Dân tộc đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác dân tộc của Ủy ban Dân tộc trong đào tạo, dạy nghề cho lao động DTTS; sớm hợp nhất quản lý và đào tạo nghề đối với trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên ở cấp huyện; tăng tỷ lệ đào tạo nghề dài hạn và có cơ chế tạo việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động hiệu quả cho lao động DTTS.