Dựa trên tiêu chí nhân vật có tác động nhiều nhất đến các sự kiện chính; có ảnh hưởng lớn đến thời sự của Việt Nam trong năm, năm 2010, báo điện tử VnExpress đã bình chọn là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì những ảnh hưởng lớn của ông đối với đất nước.
Thủ tướng thuyết trình tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2010 diễn ra từ 27 đến 31-1 tại Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: AP |
2010 được đánh giá là năm "đỉnh cao đối ngoại" của Việt Nam, cũng là một năm tất bật của người đứng đầu Chính phủ khi ông hiện diện trong hàng loạt sự kiện mang tầm Quốc tế như: Hội nghị cấp cao nhóm các nền kinh tế lớn và mới nổi G20, Hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân, Diễn đàn Kinh tế thế giới...
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2010, Thủ tướng được báo chí quốc tế đánh giá là một trong những diễn giả nổi bật khi ông thuyết giải những bài học thành công của Việt Nam về đối phó với khủng hoảng, duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động dẫn dắt các tiến trình hợp tác khu vực, đưa ASEAN trở thành một điểm sáng của khu vực Đông Á. Thủ tướng đã thể hiện dấu ấn đậm nét khi điều hành thành công Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á cuối tháng 10. "Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam là bài học cho tất cả", tờ The Nation (Thái Lan) nhận xét.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM +), Bộ trưởng Quốc phòng của 18 quốc gia trên thế giới tề tựu ở Hà Nội. Nhiều vấn đề nóng của khu vực, thế giới đã được bàn thảo, đặc biệt là những tranh chấp ở biển Đông. Với sự "chủ động, tích cực và có trách nhiệm" Việt Nam đã chia sẻ hợp tác về quốc phòng an ninh, tranh thủ được sự quan tâm, đồng thuận của nhiều quốc gia về các vấn đề gai góc.
Hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo cường quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản...) đã mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế mới cho Việt Nam, trên cơ sở lòng tin và cùng có lợi. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định: "Việt Nam là đối tác trọng điểm của Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương". Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng lên tiếng: "Mỹ muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam".
Lần đầu tiên, Việt Nam trở thành quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược trong một số lĩnh vực với Nga, Trung Quốc, Anh - 3 trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - tiến tới xây dựng quan hệ tầm chiến lược với Pháp và Mỹ.
Thủ tướng Nhật Naoto Kan, Thủ tướng Australia Julia Gillard, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Đông Á. Ảnh: AFP. |
Trong lĩnh vực kinh tế, khi các nền kinh tế dẫn dắt thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu chưa thoát hoàn toàn khỏi suy thoái, thì Việt Nam - một nước vốn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu, lại nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, hồi phục và bứt phá để đạt tốc độ tăng trưởng cao.
GDP 2010 đạt 6,78% không chỉ cao hơn chỉ tiêu 6,5% do Quốc hội đề ra, mà còn là kết quả cao hàng đầu khu vực (chỉ sau Trung Quốc và Singapore), tăng trưởng xuất khẩu cao gấp 3 lần chỉ tiêu đề ra. Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD.
Với thu nhập bình quân đầu người đạt 1.168USD, năm 2010 Việt Nam cũng đã được các tổ chức quốc tế như: World Bank, ADB đưa ra khỏi nhóm nước thu nhập thấp và chuyển sang nhóm thu nhập trung bình. Đây là những thành công đặc biệt quan trọng trong nhiệm kỳ của Chính phủ với sự điều hành của người đứng đầu Nguyễn Tấn Dũng.
Bên cạnh những điểm sáng, 2010 cũng là năm xuất hiện những vấn đề nổi cộm như: lạm phát, sự đổ vỡ của tập đoàn Vinashin với số nợ lên tới chục nghìn tỷ đồng.
Không chỉ nêu lên những khiếm khuyết trong điều hành, lỗi hệ thống, Thủ tướng không né tránh trách nhiệm người đứng đầu. Hơn một lần, ông đã đứng ra nhận khuyết điểm trước phiên họp toàn thể Quốc hội về vụ Vinashin, đồng thời đưa ra các giải pháp vực dậy nền công nghiệp quan trọng này.
Với quyết tâm tái cơ cấu, Vinashin từ chỗ gần như không còn hoạt động, nay đang dần ổn định sản xuất, khôi phục lại việc làm cho hàng chục nghìn người lao động. Nhiều chủ tàu đã quay lại ký hợp đồng, hàng chục tàu đã được bàn giao kể từ khi tập đoàn bắt đầu tiến hành tái cơ cấu vào tháng 8.
Thủ tướng nhìn nhận, Chính phủ và các thành viên đều "đã làm hết sức vì lợi ích của nhân dân".
Năm 2011 bắt đầu với những cơ hội và thách thức "chưa từng có". Để thực hiện mục tiêu số 1: "ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và kìm chế lạm phát", hơn hết người đứng đầu Chính phủ và các thành viên mong muốn: "Quốc hội và nhân dân chia sẻ, ủng hộ, hợp tác để Chính phủ và Thủ tướng hoàn thành chức trách của mình".
Năm 1981 ông phục viên và tham gia công tác tại tỉnh Kiên Giang, lần lượt giữ các chức vụ Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy.
Năm 1995 ông nhận nhiệm vụ tại trung ương với các chức vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Kinh tế trung ương.
Năm 1997 ông được Quốc hội thông qua chức Phó thủ tướng và sau đó được phân công làm Phó thủ tướng thường trực. Năm 1998 ông kiêm nhiệm thêm vị trí Thống đốc Ngân hàng.
Tháng 6-2006 ông trở thành Thủ tướng trẻ nhất Việt Nam kể từ năm 1975. Tháng 5-2007, một năm sau khi nhậm chức, ông được tạp chí World Business bình chọn là một trong 20 nhân vật cải cách của châu Á.