“Đi lên từ đường”Sơn Thành (huyện Yên Thành) là xã đầu tiên của Nghệ An đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trí Trung: “Nguyên nhân mang tính quyết định đó là Sơn Thành chọn khâu đột phá “Đi lên từ đường”. Từ việc xác định tầm quan trọng của giao thông, xã Sơn Thành đã tuyên truyền vận động người dân nói không với kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng”. Đến nay Sơn Thành đã xây dựng đường nhựa và bê tông hóa được 58/64km. Anh Lê Anh, người dân xóm 9 cho biết: “Có 400 hộ dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng khi xây dựng mới các tuyến đường trong xã, tuy nhiên hầu hết người dân trong xã đều không nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng đường sá, dù hy sinh một tí nhưng người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ những con đường mới”.
Xây dựng đường nông thôn ở xã Đại Đồng, huyện Yên Bình (Yên Bái).
Cũng giống như xã Sơn Thành, xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) cũng xác định “giao thông là khâu đột phá”. Ông Lê Quang Lý - Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết: “Được người dân ủng hộ và hưởng ứng nên từ năm 2008 đến nay xã Đức Lĩnh đã phát quang giải tỏa tầm nhìn 199,5km, làm mới 46 cầu, cống các loại, nâng cấp 69km đường nhựa, bê tông, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp ngày công, nguyên vật liệu. Tổng kinh phí 33 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp bằng tiền mặt và vật liệu trị giá 22 tỷ đồng và hơn 220.000 ngày công.
“Sức dân mạnh như nước”Đó là kinh nghiệm được đúc rút từ 166 xã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn giai đoạn 2008- 2013. Tiêu biểu là xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Với sự vào cuộc cao độ của người dân, qua hơn 2 năm xã đã huy động được trên 20.000m3 cát, sỏi để làm đường bê tông; trên 25.000 ngày công; trên 200 hộ dân hiến hơn 31.000m2 đất. Đến nay toàn xã đã hoàn thành được 31km đường bê tông liên thôn, nội thôn, trong đó người dân đóng góp 5,1 tỷ đồng (chiếm 40,6%).
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính từ năm 2008 đến năm 2012, đã có 46.796 tỷ đồng vốn được huy động xây dựng giao thông nông thôn. Bằng nguồn kinh phí huy động tổng lực, các địa phương trong cả nước đã xây dựng mới được 15.185km đường; sửa chữa nâng cấp 74.329km đường...
|
Đánh giá về phong trào “Bê tông hóa đường giao thông nông thôn”, ông Chẩu Văn Lâm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Chủ trương này được thực hiện với phương châm Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp vật liệu và ngày công để xây dựng đường nông thôn nhằm phát triển kinh tế và phục vụ đời sống dân sinh, thay đổi diện mạo nông thôn nên được người dân ủng hộ nhiệt tình. Xây dựng đường bê tông nông thôn là bước khởi đầu lớn nhất và làm chuyển biến lớn nhất về diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân”.
Ông Nguyễn Trí Trung - Chủ tịch UBND xã Sơn Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) chia sẻ: “Sự đồng thuận của người dân chính là động lực, là nguồn lực, là nội lực để góp phần xây dựng giao thông nông thôn, là nét nhân văn. Nhân dân đã đồng thuận thì không có việc gì khó”.