Dân Việt

Bộ GTVT lý giải vệt lún trên đường Vành đai 3

VOVGT 20/08/2013 13:24 GMT+7
Để xử lý tình trạng lún hằn vệt bánh xe trên ĐTC, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải rà soát tổng thể chỉ rõ nguyên nhân.
Thời gian qua đường trên cao (ĐTC) vành đai 3 của Hà Nội, đoạn Mai Dịch - Linh Đàm, đã xuất hiện hiện tượng lún nứt kéo dài trên đoạn qua đường Nguyễn Xiển nối đường Khuất Duy Tiến.

Theo nhiều chủ phương tiện thường xuyên tham gia giao thông ở ĐTC, thời gian này, mỗi khi đi đến đoạn qua nút giao Thanh Xuân và Trung Hòa, xe bị rung lắc, tay lái rất khó điều khiển. Mặt đường đoạn qua nút Thanh Xuân đang bị lún nứt nhiều nhất, lún nứt xuất hiện theo hai vệt bánh xe ở cả hai bên chiều đường, đoạn lún sâu nhất ở đây là 3cm. Một số đoạn lún sâu được nhà thầu thảm bê tông bù lún, nhưng do nền bê tông nhựa mới thảm thường cao hơn mặt đường nên tạo sự gồ ghề.
Bộ GTVT lý giải hiện tượng lún nứt mặt đường vành đai 3 sau 8 tháng thông xe
Bộ GTVT lý giải hiện tượng lún nứt mặt đường vành đai 3 sau 8 tháng thông xe
Trước tình trạng trên, ngày 19.8, Bộ GTVT đã chính thức có thông cáo báo chí nói rõ việc xử lý các vết lún trên đường vành đai 3 Hà Nội.

Thông cáo báo chí đã làm rõ hiện trạng vệt lún, trách nhiệm của các bên, nguyên nhân lún theo đánh giá sơ bộ ban đầu. Cụ thể, đoạn lún là phần đường bê tông nhựa tại gói thầu số 2 do Nhà thầu là Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui thi công.

Toàn bộ thiết kế thành phần cấp phối của lớp bê tông nhựa này áp dụng theo quy trình: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8819:2011; mặt đường bê tông nhựa nóng - yêu cầu thi công và nghiệm thu mới ban hành.

Về công tác kiểm soát chất lượng, đây là dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA do Tư vấn Nhật Bản (Công ty Tư vấn Oriental Consultants) giám sát thi công và đã thường xuyên được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đảm bảo tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế cũng như quy trình, quy phạm thi công.

Tuy nhiên, hiện nay một số đoạn cục bộ vẫn còn có hiện tượng biến dạng nhỏ lớp bê tông nhựa nhưng không làm ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến. Như vậy, với việc thiết kế thành phần cấp phối và quy trình thi công đã tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành, hiện tượng trên có thể do ảnh hưởng của tình hình các xe quá tải thường xuyên lưu thông trên tuyến đường.

Hiện tại, toàn bộ Dự án đang trong thời hạn bảo hành nên toàn bộ kinh phí sửa chữa do Nhà thầu phải đảm nhận. Ban Quản lý Dự án Thăng Long cùng với Tư vấn Nhật Bản và Nhà thầu thường xuyên theo dõi, kiểm tra và đã tiến hành sữa chữa kịp thời.

Liên quan tới việc xử lý tình trạng lún hằn vệt bánh xe trên một số tuyến đường thời gian gần đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải rà soát tổng thể chỉ rõ nguyên nhân tại từng dự án, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan, làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát...

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cần tập trung mạnh mẽ việc kiểm soát hiệu quả xe quá tải lưu thông trên đường.