Học chữ dân tộc mìnhÔng Lò Ngọc Duyên - Trưởng ban Điều phối Trung tâm Bảo tồn và phát triển tri thức các dân tộc Điện Biên cho biết: “Tại thời điểm này, trong số 18 DTTS ở Điện Biên, chỉ 8 dân tộc có chữ viết riêng là Dao, Giáy, Hoa, Lào, Nùng, Tày, Mông và Thái. Trong số đó, chữ Thái, Mông chiếm ưu thế”. Nhưng như vốn chữ Thái, thực tế người biết đọc được chữ Thái chẳng còn bao nhiêu, vả lại phần lớn đều là các cụ sắp như “tia nắng cuối trời” rồi.
Với các chương trình này, nhiều học sinh có thể nghe, nói, đọc, viết tiếng mẹ đẻ của mình. (Ảnh chụp tại xã Nà Bủng, huyện Mường Nhé, Điện Biên).
Nếu chúng ta không tự học, một mai số người cao tuổi biết chữ Thái qua đời, số sách cổ chữ Thái của cha ông để lại không có người biết đọc. “Chính vì vậy, tuổi trẻ dân tộc Thái cần có trách nhiệm với dân tộc mình, phải học để biết, để ghi chép lưu truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau” - ông Duyên bộc bạch.
Sống ở thời kỳ hội nhập, giao thoa giữa nhiều tộc người trên cùng địa bàn luôn có tính hai mặt hoặc tích cực hoặc tiêu cực. Chính vì vậy, dù là dân tộc nào, muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình thì điều trước nhất phải để người dân tự ý thức được giá trị của tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Nỗ lực của ngành giáo dụcNhận thức được điều này, từ cách đây gần 20 năm, tỉnh Điện Biên đã triển khai thí điểm dạy chữ Thái và chữ Mông trong các trường tiểu học. Theo thống kê, giai đoạn 1996-2005 đã có 1.700 học sinh học tiếng Thái tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên; gần 1.400 học sinh học tiếng Mông tại huyện Tủa Chùa và Điện Biên Đông. Để tiếp nối kết quả trên, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS) giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020.
Một tín hiệu đáng mừng là trước kia cán bộ, giáo viên phải vào tận các gia đình để vận động thì nay nhiều người đã tự giác đến đăng ký tham gia học tập.
|
Chương trình dạy tiếng Thái, tiếng Mông lớp 6 và 7 THCS là sự kế thừa và phát triển từ nội dung chương trình lớp 3 - 4 và 5 dạy chữ Mông, Thái cấp tiểu học đã triển khai trước đó, trong đó nhiều học sinh đã có thể nghe nói và đọc viết được tiếng dân tộc mình.
Trong chương trình tiếng Thái, Mông lớp 6 và 7, nội dung các bài học sẽ phong phú và hấp dẫn hơn với các chuyên đề về phong tục, lễ hội, trang phục, ẩm thực, văn học dân gian... của 2 dân tộc Thái, Mông. Tài liệu THCS sẽ được trình bày song ngữ và dự kiến sẽ đưa vào thực hiện từ năm học 2014-2015.
Ở bậc THCS, để kiến thức, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ Thái và ngôn ngữ Mông của học sinh được nâng cao, tài liệu sẽ bổ sung theo hướng mở rộng và nâng tầm, song vẫn đảm bảo bám sát nội dung, chương trình của môn ngữ văn cấp THCS.
Với những nỗ lực trên, hy vọng không chỉ tiếng Thái, tiếng Mông mà tiếng nói, chữ viết của nhiều DTTS khác cũng sẽ tiếp tục được khôi phục và truyền dạy, để trở thành “công cụ bắc cầu sang ngôn ngữ phổ thông”...