Xuất khẩu lâm sản đạt kỷ lục
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, mặc dù được dự báo tình hình xuất khẩu năm 2013 sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm nay khá ấn tượng, đạt mức kỷ lục trong nhiều năm qua với 5,1 tỷ USD, tăng 18,6% so với kế hoạch và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm lâm sản ngoài gỗ (mây, tre, cói, thảm…) ước đạt 224 triệu USD, đạt 74,6% kế hoạch và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là tín hiệu tốt đối với ngành chế biến gỗ Việt Nam, góp phần giúp ngành nông nghiệp khẳng định vị trí “trụ đỡ” của nền kinh tế trong gian khó.
Trồng rừng tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
Về công tác thực hiện phí môi trường rừng, đến nay, 36 tỉnh có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai chính sách chi trả DVMTR, trong đó 31 tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh để triển khai chính sách và tiếp nhận tiền DVMTR. Tính đến 31.10, cả nước đã thu được 875 tỷ đồng tiền chi trả DVMTR, trong đó, quỹ trung ương thu được 724 tỷ đồng, vượt kế hoạch thu năm 2013 (101%); quỹ tỉnh thu 151 tỷ đồng. Quỹ trung ương đã giải ngân cho các tỉnh 462 tỷ đồng, số tiền còn lại chưa giải ngân là do một số tỉnh chưa thành lập quỹ để tiếp nhận.
Ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, lâm nghiệp là lĩnh vực đầu tiên trong ngành nông nghiệp hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành. Theo đó, lâm nghiệp đang được kỳ vọng sẽ phát triển theo hướng bền vững và đem lại giá trị vật chất ngày càng cao cho người trồng và bảo vệ rừng. Trong năm 2013, đã có 4/7 chỉ tiêu về phát triển rừng bằng và vượt mức kế hoạch; 7/7 chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2012.
Tập trung xử lý điểm nóngNăm 2013, thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn ở nhiều nơi nên công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) cũng được Tổng cục Lâm nghiệp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Tổng cục chủ động chỉ đạo xây dựng kế hoạch PCCCR năm 2013; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình bảo vệ rừng và PCCCR tại một số tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; củng cố, duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ báo cháy và trạm viễn thám, đáp ứng kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành...
Tính đến 31.10, cả nước đã phát hiện 21.718 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, giảm 2.292 vụ so với cùng kỳ; diện tích rừng bị phá trái phép là 734,27ha, giảm 244,51ha so với cùng kỳ. Cả nước cũng phát hiện 10.856 vụ vi phạm về mua bán vận chuyển lâm sản trái phép, giảm 944 vụ so cùng kỳ…
|
Đặc biệt, ngành đã chủ động phối hợp với các địa phương giải quyết các điểm nóng về phá rừng và tụ điểm cất trữ lâm sản trái phép ở Tà Xùa (Sơn La), Văn Bàn (Lào Cai), Sơn Động (Bắc Giang), Yên Tử (Quảng Ninh) và một số tụ điểm buôn bán lâm sản trái pháp luật tại các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Bắc Kạn... Do vậy, các vụ vi phạm giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2012.
Công tác PCCCR cũng có nhiều chuyển biến tích cực, giảm nhiều về số vụ vi phạm cũng như diện tích thiệt hại so với cùng kỳ năm 2012. Tính đến hết tháng 10, cả nước xảy ra 230 vụ cháy rừng, giảm 153 vụ so với cùng kỳ năm 2012, thiệt hại 903ha (cùng kỳ năm 2012 là 1.321ha). Số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng giảm là do hầu hết các vụ cháy đều được phát hiện và dập tắt kịp thời.
Cũng theo ông Ngãi, mục tiêu trọng tâm năm 2014 của ngành là tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành, đảm bảo mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, trong đó nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, DVMTR; tăng giá trị sản xuất bình quân năm; góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân...