Dân Việt

Cắt trợ cấp chính sách hơn 7.000 trường hợp

Minh Nguyệt 07/01/2014 11:37 GMT+7
Tại Hội nghị trực tuyến của Bộ LĐTBXH về triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2014 tổ chức ngày 6.1, vấn đề trục lợi từ chính sách người có công được đại diện nhiều tỉnh đưa ra bàn thảo.
Mới đây, ngày 4.10, Sở LĐTBXH tỉnh Đăk Lăk đã phát hiện 37 hồ sơ thương binh có nguồn gốc mập mờ. Ông Lê Hải Lý - Trưởng phòng Người có công (Sở LĐTBXH Đăk Lăk) cho biết, đã có 12 người tự nguyện nộp lại 228,7 triệu đồng và thừa nhận mua hồ sơ giả để nhận tiền chính sách. Các hồ sơ này được lập từ năm 2009-2010, từ đó đến nay, số tiền đã chi trả lên đến hàng tỷ đồng.

Năm 2014, mục tiêu giảm số hộ nghèo từ 1,7-2%.
Năm 2014, mục tiêu giảm số hộ nghèo từ 1,7-2%.

Vụ việc này chỉ là “con tép” so với các vụ mà ngành LĐTBXH đã phát hiện. Số liệu của Cục Người có công - Bộ LĐTBXH cho thấy, thời gian qua có khoảng 7.000 đối tượng bị cắt trợ cấp người có công do sai phạm. Trong công tác xét duyệt hồ sơ đã phát hiện có 609/7.460 hồ sơ có sai sót.

Tại hội nghị, bà Lê Thị Mỹ Phượng – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai nêu thực tế: “Cái khó nhất hiện nay chính là việc thực hiện truy thu đối với những đối tượng hưởng sai chế độ. Việc chi khá đơn giản, nhưng thu lại rất khó khăn”.

Bên cạnh đó, ngành LĐTBXH cũng đang phải đối mặt với tình trạng thực hiện chi trả, truy lĩnh cho các cá nhân mới được xác minh, phong tặng các danh hiệu. Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, hiện đã có hàng nghìn người có công được truy lĩnh với mức tiền lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Hiện Cục Người có công và các đơn vị đã tiến hành truy thu hơn 100 tỷ đồng từ những đối tượng vi phạm, lợi dụng chính sách người có công.

Mục tiêu năm 2014 của ngành LĐTBXH là: Tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; dạy nghề cho 1,78 triệu người; giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,7 - 2% so với năm 2013.

Bên cạnh vấn đề người có công, vấn đề dạy nghề và tạo việc làm cũng được đặt ra bức thiết. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là 2 trong 3 vấn đề nổi cộm mà Bộ LĐTBXH phải tập trung giải quyết trong năm 2014.

Về dạy nghề, đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Đăk Lăk là ông Nguyễn Tấn Hùng – Giám đốc Sở kêu khó chung cho các tỉnh khi nêu thực trạng thiếu thốn phương tiện dạy nghề trên địa bàn. Tỉnh có 47% đồng bào dân tộc, là đối tượng ưu tiên dạy nghề, nhưng cơ sở vật chất để dạy nghề còn rất sơ sài do thiếu vốn đầu tư.

Về vấn đề giải quyết việc làm cho lao động, nhiều tỉnh kêu ca về việc doanh nghiệp “chết” nên chỉ tiêu tạo việc làm không đạt...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Nguyên nhân của việc thất nghiệp nhiều là do một phần doanh nghiệp bị phá sản, thu hẹp sản xuất. Bên cạnh đó việc kêu gọi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa máy móc vào nông nghiệp cũng khiến cho một bộ phận lớn lao động trong lĩnh vực này mất việc làm. Yêu cầu phát triển dịch vụ, nhưng hệ thống du lịch, dịch vụ của chúng ta còn yếu kém”. Phó Thủ tướng cũng cho rằng đây là việc khó, cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành và cả Chính phủ, vì thế cần phải được giải quyết từng bước.