Trong
danh sách gửi sang, bác sĩ dinh dưỡng của đội tuyển đã cẩn thận liệt kê thực
đơn từng ngày, gồm bữa sáng, bữa trưa, bữa tối dành cho các cầu thủ. Bên cạnh
đó, bác sĩ còn đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt như: tất cả trọng lượng thức ăn
phải được cân đo đong đếm trước khi nấu.
Trong quá trình nấu thì dùng ít dầu ăn
nhưng phải là dầu oliu nguyên chất, nếu dùng rượu trắng hay rượu vang để làm
gia vị thì phải cân nhắc, muối phải có i-ốt… Đặc biệt, nếu thực đơn đưa sang mà
món thứ nhất các cầu thủ không thích thì phải thay thế bằng 1 dĩa Pasta (một
dạng mì Ý) 120g buổi trưa, 100g buổi tối.
Nếu món thứ hai mà cầu thủ không thích thì chuẩn bị 1 đĩa Parmaham (100g) không béo với vài miếng phô mai 20g, hoặc gà nướng Thổ Nhĩ Kỳ 200g cho bữa trưa hoặc bữa tối.
Bác sĩ CKI Trần Thị Minh Nguyệt, chuyên gia dinh dưỡng của công ty CP dinh dưỡng NutiFood cho biết: "Họ làm như vậy là rất cần thiết vì phải cân đo đong đếm lượng một cách chặt chẽ mới kiểm soát được số năng lượng đưa vào cơ thể đã đủ chưa? Có đảm bảo đủ năng lượng để hoạt động trong khi tập luyện và thi đấu hay không. Tất cả những yêu cầu của họ đều để đảm bảo cầu thủ có đủ sức khỏe thi đấu cho hết trận".
Theo bác sĩ Đồng Xuân Lâm, BS của đội U19 Việt Nam thì việc đảm bảo dinh dưỡng cho các vận động viên là rất quan trọng vì nếu thiếu hụt dinh dưỡng có thể khiến các cầu thủ hồi phục kém, hụt hơi trong các trận đấu căng thẳng hay chấn thương thường xuyên hơn trong khi thi đấu. “Thực đơn của đội U19 Việt Nam cũng được kiểm soát khá chặt chẽ”, bác sĩ Lâm khẳng định.