Học thật, thi thật
Trong khi nhiều trường học đang chạy đua với “bệnh thành tích” thì từ lâu “thực học” đã trở thành mục tiêu của thầy trò Trường THPT Phù Cừ, Hưng Yên. Thầy Nguyễn Văn Thuấn - Hiệu trưởng nhà trường nói: “Từ những ngày đầu thành lập, giáo viên và học sinh đã xác định việc học rất nghiêm túc: Học để bản thân thoát nghèo. Buổi học văn hoá, buổi thầy trò đóng gạch, lao động để xây trường… Đến nay, khi đất nước ngày một phát triển, thầy cô trong trường cũng chỉ mong học trò của mình học để có thể bước vào đời bằng chính đôi chân của mình”.
Học sinh học tin học tại phòng máy do học sinh cũ của trường là tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng vận động tài trợ.
Để giúp học sinh “thực học”, các môn học đều được lồng ghép với thực tế. Thầy Thuấn cho biết: Môn học nào có thể áp dụng được thì dạy thật kỹ, ví dụ đối với các môn công nghệ, trường yêu cầu chú trọng dạy các phần kỹ thuật về nông nghiệp, vì phần lớn học sinh trong trường đều là con nông dân: “Ít nhất sau môn học, các em phải biết chiết, trồng cây ăn quả, chăm bón lúa, hoa màu, kỹ thuật nuôi gia súc, gia cầm….”. Các môn học khác như lý, hoá, sinh…trường cũng trang bị phòng thí nghiệm, phòng đa chức năng, phòng vi tính và phòng nghe nhìn… để học sinh thực hành sau mỗi buổi học lý thuyết trên lớp.
Thầy Vũ Văn Cương – Phó Bí thư Đoàn trường, giáo viên văn của trường chia sẻ: “Các buổi nói chuyện về giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên, an toàn giao thông, hướng nghiệp dạy nghề… cũng được trường tổ chức liên tục và mời các chuyên gia trong các lĩnh vực đó về nói chuyện trực tiếp với các em”.
Học thực, nên cách đánh giá học sinh của trường nghiêm túc mà không quá “cầu kỳ”. Đối với đa số học sinh trường không yêu cầu quá cao. Khi học chỉ cần giảng và giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, các bài kiểm tra, thi cũng đi sâu vào kiến thức cơ bản. Chính vì điều này mà hàng năm tỷ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp và đỗ vào các trường ĐH – CĐ thường rất cao. Việc thi thật, cũng được làm mạnh ngay từ khi phong trào “3 không” còn chưa manh nha. Theo thầy Thuấn: “Khi ngành giáo dục phát động “3 không”, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của trường đạt trên 80% - cao nhất so với các trường trong tỉnh, đó chính là kết quả của việc thực học”.
Động lực cho sự phấn đấu
Một điểm đặc biệt khác ở ngôi trường này là cách đào tạo và bồi dưỡng lực lượng học sinh giỏi rất… có tầm. Điểm đầu vào của Trường THPT Phù Cừ luôn đứng top đầu trong các trường THPT của huyện. Học sinh được đăng ký nguyện vọng tự chọn và được phụ huynh học sinh chấp thuận, nhà trường tổ chức phân loại đầu vào cho phù hợp với nhận thức của các em và hàng năm luôn được khảo sát để sàng lọc. Em Phan Thị Kim Chi - Lớp trưởng lớp 12A1 cho biết: “Cứ sau mỗi năm học, chúng em lại có một kỳ thi khảo sát. Các lớp A1, A2, A3 (là lớp chọn của trường) sẽ trải qua một kỳ kiểm tra kiến thức, học sinh các lớp khác nếu tự tin cũng có thể đăng ký tham gia. Bạn nào không đạt điểm sẽ chuyển xuống học tại các lớp bình thường và ngược lại các bạn lớp bình thường nếu cố gắng sẽ được vào lớp A1, A2, A3...”. Việc tổ chức khảo sát hàng năm này là động lực để học sinh luôn phấn đấu. Nhiều thầy cô trong trường cho biết, khi thực hiện cách làm này, trường cũng gặp nhiều phản ứng của phụ huynh có con bị chuyển khỏi lớp chọn, nhưng trường vẫn kiên trì thực hiện vì chất lượng đào tạo.
Trường THPT Phù Cừ thành lập tháng 9.1963. Từ 4 lớp học ban đầu-trường hiện có 32 lớp học với 1.300 học sinh. Nhiều cựu học sinh đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học lớn, doanh nhân thành đạt như: GS-TS Vũ Văn Hiền- nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói VN; PGS-TS Phùng Xuân Nhạ- Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội; TS Nguyễn Duy Lượng- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam; Nhà văn- Trung tướng Hữu Ước...
|
Cũng nhờ đó mà kết quả học tập của học sinh luôn tăng ở các năm. Từ chỗ chỉ có 0,5% học sinh xếp loại giỏi những năm đầu, nay đã lên 9%. Tỷ lệ đỗ ĐH-CĐ đạt 75%. Rất nhiều học sinh của trường đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, đỗ thủ khoa các trường ĐH, điển hình: Nguyễn Công Thịnh đoạt giải Khuyến khích môn vật lý MTCT năm 2009; Trần Quang Long đoạt gải Khuyến khích môn vật lý MTCT năm 2010; Nguyễn Công Thịnh thủ khoa ĐH Y Thái Bình năm 2009 với 28,5 điểm; Doãn Trung San -thủ khoa ĐH Dược Hà nội năm 2012 với 29 điểm, ĐH Y Hà Nội với 29 điểm...
Không chỉ có vậy, hàng năm Trường THPT Phù Cừ còn tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề rất triệt để. Trước mỗi kỳ thi, học sinh cũ của trường hiện đã là sinh viên của các trường ĐH – CĐ còn phối hợp với Đoàn trường làm công tác hướng nghiệp, tư vấn giúp các em về kinh nghiệm chọn trường, chọn nghề, kinh nghiệm đi thi…
Thầy Thuấn cũng cho biết, trường còn tổ chức các kỳ thi thử ĐH cho học sinh có thể biết “lượng sức mình”. Sau các đợt thi, các em có kết quả quá thấp sẽ được tư vấn việc học nghề hoặc thi một trường vừa sức, có thể kiếm việc làm sau khi ra trường: “Tâm lý từ xưa đến nay ai cũng cho rằng, đã học là phải thi kể cả có phải bỏ ra 2-3 tấn thóc cho con đi thi ĐH rồi trượt, hay 30 tấn thóc cho con học ĐH để rồi thất nghiệp… họ cũng làm. Chúng tôi đang cố gắng thay đổi suy nghĩ cố hữu đó” - thầy Thuấn nói.
Những mốc son của trường Năm 1974, trường được Bộ GDĐT tặng bằng khen về thành tích giáo dục con thương binh, liệt sĩ. Năm 1988, trường được Bộ Lâm nghiệp tặng bằng khen về thành tích trồng cây gây rừng. Thời kỳ này trường liên tục là trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, có năm là lá cờ đầu của ngành giáo dục tỉnh Hải Hưng. Năm 1998, trường được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2010, trường được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2011- 2012, Đoàn trường được T.Ư Đoàn và T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên tặng bằng khen. Năm 2013, trường được Chính phủ tặng cờ thi đua.
|
“Không dễ dàng gì để có thể học tập ở một lớp A1, A2, A3 dưới ngôi Trường Phù Cừ. Em đã phải cố gắng phấn đấu rất nhiều. Em thích nhất là các tiết học thực hành trong phòng thí nghiệm, phương tiện học tập hiện đại đã giúp chúng em học tốt hơn. Đặc biệt, em rất bất ngờ vì được biết chính những cựu học sinh của trường đã hỗ trợ cơ sở vật chất này để chúng em có được điều kiện học tập tốt nhất”. Em Bùi Quang Minh – học sinh lớp 11A1
“11 năm đầu tiên của cuộc đời giáo viên cũng là 11 năm tôi được giảng dạy dưới mái Trường Phù Cừ. THPT Phù Cừ là một ngôi trường “địa không linh nhưng nhân kiệt”. Một mảnh đất nghèo khó, một ngôi trường nghèo khó, những học sinh vô cùng nghèo khó... nhưng hiếu học, thành đạt nhiều và quan trọng là cái tình thầy trò rất lớn”. Thầy giáo Phạm Nhật Lệ - giáo viên cũ của trường giảng dạy từ năm (1965 – 1976)
“Thời tôi học ở trường, thầy trò rất khổ, lớp học thì tường bằng đất, mái lợp bằng rơm rạ, học sinh các lớp 8, 9, 10 phải học 2 ca. Từ khó khăn đó, tôi luôn mong muốn học ngành nông nghiệp để phục vụ nông dân. Các thầy cô giáo thời đó rất khuyến khích tôi học, như cô giáo Huệ dạy môn kỹ thuật nông nghiệp. Tôi thi Đại học Nông nghiệp Hà Nội và gắn bó với nông nghiệp, nông thôn từ đó tới nay”. Tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng- Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND VN, cựu học sinh nhà trường
|